1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Malaysia Airlines lỗ thêm "khủng" vì MH370 mất tích

(Dân trí) - Tương lai của hãng hàng không quốc gia Malaysia đang bị đặt dấu hỏi lớn, khi số lỗ của họ trong quý 1 tăng vọt thêm 59% sau khi chuyến bay MH370 mất tích. Đây đã là quý thứ 5 liên tiếp, Malaysia Airlines rơi vào cảnh thua lỗ.

Malaysia Airlines đã chứng kiến số lỗ tăng vọt 59% trong quý 1
Malaysia Airlines đã chứng kiến số lỗ tăng vọt 59% trong quý 1

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Nợ khó đòi của nhiều “ông lớn” vẫn lớn

* Vingroup đầu tư gần 3.160 tỷ đồng cho Tân Cảng Sài Gòn trong quý I

* "Doanh nghiệp ngừng sản xuất là mắc mưu của kẻ xấu"
* Tại sao kinh tế Mỹ vẫn là số 1 thế giới?

Thông tin vừa được Malaysia Airlines công bố. Theo đó số lỗ ròng của hãng này trong quý vừa qua là 138 triệu USD, tăng 59% so với quý trước đó. Nguyên nhân chính gây lỗ lớn được khẳng định là do “môi trường kinh doanh khó khăn” và “tâm lý tiêu cực”.

Dù vậy các nhà đầu tư dường như vẫn không nản lòng với thông tin này, khi giá cổ phiếu của Malaysia Airlines tăng 2,4%. Hiện chỉ có 30% cổ phần của nhà vận tải hàng không này được giao dịch tự do trên sàn chứng khoán Kuala Lumpur, số còn lại do quỹ đầu tư Khazanah Nasional của chính phủ nắm giữ.

Trong số 30% cổ phần được niêm yết, hầu hết thuộc sở hữu của các quỹ hưu chí và và tổ chức khác của nước này, khiến các nhà đầu tư cá nhân chỉ còn giao dịch một lượng cổ phần khá nhỏ.

Dù vậy, tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của Malaysia Airlines vẫn mất hơn 40% giá trị thị trường.

Chuyến bay MH370 mất tích từ hôm 8/3, khi đang trên hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh. Một chiến dịch tìm kiếm, cứu hộ quốc tế đã được triển khai và vẫn đang tiếp diễn, với chi phí ước tính lên tới hàng chục triệu USD.

Chính phủ Malaysia tin rằng máy bay đã kết thúc hành trình tại Đại Tây Dương, nhưng đến nay vẫn không có dấu hiệu nào của mảnh vỡ máy bay được tìm thấy.

Cuộc khủng hoảng đã dẫn tới số lượng chuyến bay bị hủy tăng, còn danh tiếng của Malaysia Airlines bị tổn thương, trong đó doanh số tại thị trường Trung Quốc sụt tới 60%. Khoảng 2/3 trong số 239 người có mặt trên chuyến bay mất tích đến từ Trung Quốc, khiến một số hãng lữ hành của nước này tẩy chay các chuyến bay của Malaysia Airlines.

CEO Ahmad Jauhari Yahya thừa nhận, việc chuyến bay MH370 biến mất đã góp phần khiến kết quả kinh doanh thêm tồi tệ, một điều “không được chờ đợi”.

“Kết quả kinh doanh đã tồi tệ thêm do ảnh hưởng từ hoạt động di chuyển đường không nói chung sau sự biến mất của MH370. Cả thị trường đã phản ứng khiến nhu cầu sụt giảm”, thông báo của Malaysia khẳng định.

Hãng hàng không này “cần phải đẩy mạnh các nỗ lực tăng cường nguồn thu, và quản trị tốt hơn các chi phí lớn, vốn đã tăng lên”, ông Ahmad cho biết. “Việc này đã trở nên càng cấp thiết hơn với sự tồn tại của Malaysia Airlines trong tương lai và sự bền vững trong một thị trường chưa hề có dấu hiệu nào về sự giảm cạnh tranh”.

“Cần phải tiếp tục nỗ lực quản lý chi phí nhiên liệu, vốn đã tăng 14%, bất chấp việc giá nhiên liệu máy bay giảm”, công ty này cho biết.

Trong 3 năm vừa qua, Malaysia Airlines đã chịu lỗ tổng cộng hơn 1,3 tỷ USD, và các nhà phân tích nhận định số lỗ sẽ còn tăng thêm.

Phát biểu trước báo giới hôm 15/5, Bộ trưởng quốc phòng Malaysia kiêm quyền Bộ trưởng giao thông Hishammuddin Hussein cho biết, chính phủ không có kễ hoạch hỗ trợ tài chính cho Malaysia Airlines.

Về phần mình, hãng hàng không này khẳng định hầu hết chi phí liên quan đến chuyến bay mất tích sẽ do bảo hiểm chi trả. Tuy vậy, việc thua lỗ ngày một gia tăng đã làm dấy lên tin đồn về khả năng Malaysia Airlines phải đệ đơn xin bảo hộ phá sản.

Thanh Tùng
Theo BBC

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước