1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

M&A - “Đường tắt” đến chứng khoán Việt Nam

(Dân trí) - Việc các tổ chức tài chính lớn trên thế giới đẩy mạnh mua 49% cổ phần tại công ty chứng khoán Việt Nam (VN) cho thấy đây là “con đường tắt” nhanh nhất dẫn họ đến thị trường tiềm năng này.

Tính từ năm 2005 đến nay, các vụ mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực chứng khoán tại VN có xu hướng tăng lên cả về số lượng và giá trị giao dịch, với sự tham gia ngày càng nhiều từ các tổ chức nước ngoài.

Nối tiếp sự kiện Morgan Stanley mua 48,33% cổ phần của Công ty chứng khoán (CTCK) Hướng Việt và CTCK này đổi tên thành CTCK Morgan Stanley - Hướng Việt, Golden Bridge cũng đã mua 49% của CTCK Nhấp và Gọi, CTCK Âu Lạc bán 49% cổ phần cho công ty Technology CX (quần đảo Cayman).

Ngân hàng đầu tư RHB (Malaysia) mua 49% cổ phần của CTCK Việt Nam với giá trị giao dịch khoảng 68 tỷ đồng. Và gần đây nhất, CTCK Seamico của Thái Lan mua 49% cổ phần của CTCK Thành Công.

Đặc điểm chung của các thương vụ này là các tổ chức tài chính lớn của nước ngoài, đều mua tới 49% cổ phần của các CTCK (giới hạn được phép sở hữu theo đúng quy định 238/2005/QĐ-TTg). Các CTCK bán 49% cổ phần đều là các CTCK có quy mô vừa và nhỏ, thị phần còn khiêm tốn cả về hoạt động môi giới và tư vấn tài chính doanh nghiệp.

Xu hướng M&A trong lĩnh vực tài chính, nhất là trong các công ty chứng khoán đã sôi động trong một thời gian dài. Nhưng theo các chuyên gia tài chính, thời điểm này vẫn thuận lợi cho các vụ mua bán, sáp nhập với mức giá hợp lý, đặc biệt là với các tổ chức tài chính nước ngoài có nhu cầu thông qua liên doanh để bắt đầu hoạt động tại Việt Nam.

“Sử dụng M&A để thiết lập hoạt động của mình tại thị trường Việt Nam đang được coi là một việc làm khôn khéo của một số tổ chức tài chính nước ngoài hiện nay. Vì xét cho cùng, mua lại cổ phần tới 49%, thì cũng gần như nắm quyền quyết định trong công ty, lại dễ dàng và đơn giản, đỡ tốn kém hơn rất nhiều so với việc xin cấp phép và thành lập công ty chứng khoán mới 100% vốn nước ngoài”, một chuyên gia nói.

Theo ông Tô Đức Hải, Trưởng phòng M&A của Công ty Chứng khoán Thăng Long: Nguyên nhân của các thương vụ M&A này có thể được giải thích về hai phía: phía mua và phía bán.

Về phía bán, do sức ép của việc cạnh tranh khốc liệt trong tình hình thị trường chứng khoán suy giảm dẫn đến hoạt động của các CTCK, đặc biệt là các CTCK mới thành lập, rơi vào tình trạng hết sức khó khăn. Thua lỗ là thực tế đã xảy ra và nếu tình trạng thị trường khó khăn tiếp diễn như tình hình trong những tháng đầu năm 2008, việc phá sản hoàn toàn có thể xảy ra.

Bởi ngoài các CTCK có các tổ chức tài chính lớn, nhiều kinh nghiệm đứng đằng sau thì nhiều CTCK được thành lập với các cổ đông lớn không phải hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và vốn nhỏ; do đó khi tình hình thị trường chứng khoán khó khăn không như dự tính, các công ty này phải tính đến việc giải thể hoặc bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, các CTCK phải tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh và việc tìm đến các tổ chức tài chính có trình độ, kiến thức và tiềm lực tài chính của nước ngoài là một cách thức được cho là đúng đắn. Bên cạnh đó, việc có các đối tác chiến lược là các tổ chức nước ngoài cũng có thể giúp các công ty mở rộng thị trường ra nước ngoài.

Về phía các nhà đầu tư nước ngoài, việc mua lại hoặc mua cổ phần chi phối của các CTCK đang hoạt động sẽ giúp tận dụng những lợi thế của các CTCK đang hoạt động, am hiểu về thị trường VN để thâm nhập vào thị trường còn đầy tiềm năng này.

Bên cạnh đó, hiện VN chưa cho phép thành lập CTCK 100% vốn nước ngoài (theo cam kết WTO, đến thời điểm 1/1/2012 các tổ chức đầu tư nước ngoài mới được thành lập CTCK 100% vốn nước ngoài tại VN), cũng có khả năng là các tổ chức nước ngoài này mua 49% cổ phần và kèm theo những thỏa thuận để có thể mua nhiều hơn, thậm chí là 100% khi luật cho phép.

Ngoài ra, ở thời điểm khó khăn như hiện nay thì các nhà đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phần ở mức giá rất thấp.

Còn ông Bùi Văn Quang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN(SMEs) thì bày tỏ: Đối với các công ty trong nước, đây là một quyết định liên quan đến sự tồn tại của công ty. Vì nếu không bán được cho các đối tác nước ngoài, các công ty này phải đối mặt với những khó khăn tài chính có thể dẫn đến phá sản.

Chẳng hạn, với tình hình ảm đạm của thị trường hiện nay, khả năng tăng vốn từ các cổ đông hiện hữu đã không còn, cộng thêm với sự thua lỗ từ những hoạt động tự doanh trong thời gian qua, rất khó cho nhiều công ty chứng khoán nhỏ tiếp tục hoạt động nếu không bán được cổ phần cho các đối tác nước ngoài.

“Thực tế, nếu bán được cổ phần cho đối tác nước ngoài có kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực kinh doanh thì cũng là một việc tốt cho các công ty trong nước. Vấn đề cốt lõi là ai có thể giúp quản lý hiệu quả, phát triển công việc kinh doanh của công ty chứ không phải ai sẽ nắm giữ quyền quyết định của công ty”, ông Quang nhấn mạnh.

Như vậy, với những yếu tố trên, có thể thấy khả năng các vụ M&A trong lĩnh vực chứng khoán, đặc biệt các vụ có yếu tố mua là bên nước ngoài, sẽ có xu hướng tăng mạnh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, diễn biến xấu của tình hình thị trường tài chính toàn cầu hiện nay cũng có thể ảnh hưởng đến xu hướng này, do các tổ chức tài chính nước ngoài phải cân nhắc kỹ các quyết định liên quan đến việc mở rộng đầu tư của họ.

Nguyễn Hiền