1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

“Lý thuyết trò chơi” có thể vận dụng cho Việt Nam

Sang dự Hội thảo PET 2006, GS Robert J. Aumann (Nobel Kinh tế 2005), không chỉ ấn tượng với sự phát triển năng động và cuộc sống thanh bình của Việt Nam mà còn đưa ra những lời khuyên thiết thực cho nền kinh tế nước ta trước ngưỡng cửa WTO.

Là người đoạt giải Nobel kinh tế, GS đánh giá gì về nền kinh tế VN hiện nay?

 

Tôi vừa đến Hà Nội tối 1/8, nhưng đã sớm nhận ra sự phát triển mạnh mẽ, năng động của đất nước các bạn.

 

VN là nước có nền kinh tế đang phát triển nhanh, đang hội nhập với nền kinh tế thế giới, đặc biệt là khi trở thành thành viên chính thức Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào cuối năm nay, các bạn sẽ có nhiều cơ hội và cả những thách thức không nhỏ.

 

Vậy đâu là điều quan trọng nhất để VN hội nhập nhanh vào nền kinh tế thế giới?

 

VN cũng như tất cả các nước khác khi gia nhập vào cộng đồng kinh tế thế giới thường gặp rất nhiều khó khăn. Do đó điều mà VN cần phải tập trung nhiều nhất là giáo dục ở tất cả các cấp và đào tạo về khoa học cơ bản, công nghệ kỹ thuật cao…

 

Đó chính là những điều cơ bản nhất để VN hội nhập nhanh chóng vào nền kinh tế thế giới. Tôi được biết, tỷ lệ số người biết chữ ở VN rất cao. Tôi xin chúc mừng vì điều đó chính là cơ sở để VN phát triển nhanh chóng trong quá trình hội nhập.

 

GS có thể vận dụng “Lý thuyết trò chơi” để đưa ra những lời khuyên khi VN gia nhập WTO?

 

GS Robert J. Aumann sinh năm 1930 tại Frankfurt (Đức), hiện mang hai quốc tịch Israel, Mỹ.

 

Ông tốt nghiệp ngành Toán học năm 1950 tại ĐH New York. Năm 1952 ông có bằng Thạc sĩ và năm 1955 hoàn thành luận án Tiến sĩ Toán học tại Học viện Massachusetts.

 

Hiện ông là GS tại ĐH Hebrew, Jerusalem (Israel). Năm 2005, ông đoạt giải Nobel kinh tế (cùng GS người Mỹ Thomas Schelling) với những nghiên cứu sâu hơn về “lý thuyết trò chơi”.

Như các bạn biết, “lý thuyết trò chơi” thường được sử dụng để lý giải xung đột, chiến tranh giữa các nước, nhưng nó cũng có thể vận dụng vào việc kinh doanh, phát triển nền kinh tế.

 

Nếu vận dụng “lý thuyết trò chơi” vào bối cảnh này, tôi cho rằng điều quan trọng nhất là VN phải tạo ra môi trường kinh doanh càng tự do càng tốt để các doanh nghiệp có thể hoạt động tốt.

 

Trong “lý thuyết trò chơi” có nói đến mối quan hệ tương tác, gây ảnh hưởng lẫn nhau để mang lại lợi ích. Và VN cần một môi trường kinh doanh tự do để phát huy những lợi ích đó.

 

Điều thứ hai, là nước có học vấn cao nên VN sẽ loại bỏ được nhiều cản trở trong quá trình hội nhập với thế giới. Gia nhập WTO cũng có nghĩa là VN nhận được sự trợ giúp của nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ) và nhiều nước khác. Điều này sẽ mang lại lợi thế rất lớn cho VN trong mọi hoạt động,  trong quá trình hội nhập nền kinh tế thế giới.

 

Cũng liên quan đến “lý thuyết trò chơi”, xin GS cho biết làm thế nào để VN phát huy nguồn lực con người trong phát triển kinh tế?

 

Có một công thức chung trong các hoạt động kinh tế là tất cả mọi người sẽ giàu có hơn nếu mỗi người đều được làm việc theo khả năng và sự yêu thích của mình. Do đó, hành vi chung của con người là “tối đa hóa” các lợi ích cũng như mục tiêu của mình. Các bạn làm được điều này sẽ phát huy được tối đa nguồn lực sẵn có.

 

Xin cám ơn GS!

 

Hãy xem chiến tranh là bệnh ung thư

 

Chiều 2/8 tại Hà Nội, GS Robert J. Aumann có buổi nói chuyện dài hơn 1 tiếng với chủ đề  “Chiến tranh và hòa bình từ góc nhìn của lý thuyết trò chơi” với khoảng 300 nhà khoa học đến từ khắp thế giới.

 

Dựa trên “lý thuyết trò chơi”, GS Aumann cho rằng cách tốt nhất để giải quyết, chấm dứt các cuộc chiến tranh là hãy hiểu và phân tích nguyên nhân gây ra nó.

 

“Cũng giống như bệnh ung thư, bằng việc cố gắng tìm hiểu điều gì diễn ra trong tế bào ung thư, chứ không chỉ chữa trị cho bệnh nhân ung thư. Và khi biết được nguyên nhân, bạn có thể bắt đầu chữa trị” - GS Aumann nói.

 

Một vấn đề nữa trong “lý thuyết trò chơi” mà GS Aumann muốn nhấn mạnh là sự “lặp đi lặp lại” của các trò chơi vì thế người chơi cần phải kiên nhẫn.

 

GS Aumann khẳng định: “Chúng ta chưa thể tạo ra hòa bình ngay trên khắp thế giới vào lúc này. Chúng ta chỉ có thể chờ đợi và cố tìm hiểu nguyên nhân gây ra nó…”. GS kết luận: “Các quốc gia cần tiếp tục hiểu chiến tranh để không phải rơi vào chiến tranh”. 

 

Theo Trí Đường, N.T.Đ

Báo Tiền phong