1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Lương thực, thực phẩm tăng giá chóng mặt

(Dân trí) - Số liệu Tổng cục Thống kê công bố chiều 27/11 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 đã tăng tới 1,23% so với tháng 10, nâng tổng mức tăng CPI kể từ đầu năm tới nay lên 9,45%. Mức tăng giá chóng mặt của lương thực, thực phẩm là nguyên nhân chính khiến CPI tăng “đột biến”.

Với mức tăng trên, CPI tháng 11 đã tăng “vọt” lên gấp 3 lần so với dự báo được đưa ra trước đây của Tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công Thương). Mức tăng này cộng với mức tăng của tháng 12 sắp tới đang là câu trả lời chắc chắn về lạm phát lên 2 con số.

Xét chung trong 10 nhóm mặt hàng được đưa ra tính chỉ số CPI, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng tới 2,06% so với tháng 10; trong đó lương thực tăng tới 2,66%, thực phẩm tăng 1,95%.

Tính chung 11 tháng đầu năm, giá lương thực đã tăng trên 12%, trong khi thực phẩm tăng gần 16%. Tăng mạnh thứ hai trong tháng là nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng, với mức tăng 1,87%. 

Nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng cao cùng với những đợt mưa lũ lớn trong lịch sử tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên là nguyên nhân chính khiến 2 nhóm mặt hàng trên tăng mạnh. 

Ngược lại, các nhóm mặt hàng khác trong rổ hàng hoá tăng khá “dè dặt”. Cụ thể: nhóm đồ uống - thuốc lá, may mặc - mũ nón - đồ dùng gia đình tăng 0,20%; nhóm giáo dục, phương tiện đi lại- bưu điện tăng không đáng kể, có mức tăng tương ứng là 0,06% và 0,02%. 

Đặc biệt, nhóm thể thao, văn hoá, giải trí còn đi ngược xu hướng của thị trường khi giảm 0,10% so với tháng 10. Do những nỗ lực cải tiến công nghệ, tăng cường chăm sóc khách hàng, chạy đua cạnh tranh của các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại, Internet, nhóm nhỏ bưu điện thậm chí còn giảm khá mạnh, giảm tới 0,54% so với tháng trước, bất chấp mức tăng chung của cả nhóm phương tiện đi lại - bưu điện. 

Tính theo địa phương, Gia Lai có mức tăng giá lớn nhất, tăng tới 2,42% so với tháng trước. Nhiều địa phương khác cũng có mức tăng giá trên 1%, đó là: Đà Nẵng (+1,73%), TPHCM và Kiên Giang cùng (+1,35%); Huế (+1,25%), Hải Phòng (+1,21%)... Chỉ có 3 địa phương là Hà Nội, Vĩnh Long và Phú Thọ giữ được mức tăng giá dưới 1%, tăng từ 0,81% - 0,91%.

Bên cạnh 10 nhóm mặt hàng được đưa ra tính chỉ số CPI, giá vàng với tính thanh khoản cao, là một công cụ dự trữ an toàn hệ khi thị trường chứng khoán sụt giảm, bên cạnh bất động sản lúc “nóng” lúc “lạnh” cũng đã thu hút một khoản vốn khá lớn vào thị trường kim loại quý.

Nguyễn Hiền