1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Luật Đầu tư đã “mở”, nhưng không thể “mở toang”

Dự thảo Luật Đầu tư (chung) là “đóng” hay “mở”, tiến bộ hay thụt lùi? Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Võ Hồng Phúc khẳng định: các quy định trong dự thảo Luật Đầu tư đã rất “mở”, nhưng không thể là “mở toang”.

Trước đây tất cả các dự án đầu tư nước ngoài đều phải thẩm định và cấp phép đầu tư, nay với Luật Đầu tư (chung), các dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đều “hòa đồng” với dự án Việt Nam. Theo dự thảo, dự án đầu tư đến 5 tỷ đồng thì chỉ phải viết phiếu đăng ký gửi đến cơ quan quản lý đầu tư là được quyền đầu tư, không cần thêm một thủ tục nào cả.

Từ trên 5 tỷ đồng đến 300 tỷ đồng, nhà đầu tư đăng ký đầu tư, và sau 7 ngày làm việc, cơ quan quản lý đầu tư phải cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư. Dự án từ trên 300 tỷ đồng trở lên, mới phải thẩm định và cấp phép đầu tư. Rõ ràng, so với luật cũ là “thoáng” vô cùng đối với ĐTNN.

Với đầu tư trong nước, hầu hết các nhà đầu tư đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp hiện nay, quy mô vốn đầu tư trung bình là 1,6 tỷ đồng/dự án, cao nhất như ở TP Hồ Chí Minh là 1,8 tỷ đồng/dự án. Hiện nay, tỷ lệ dự án đầu tư trên 5 tỷ đồng chỉ chiếm 9,8% tổng số dự án đầu tư.

Nhưng có ý kiến cho rằng, dự luật lần này là “1 bước tiến, 2 bước lùi”?

Điều đó hoàn toàn không đúng. Quan điểm đó cho rằng: nhà đầu tư (cả trong nước và nước ngoài) khi thành lập doanh nghiệp rồi thì muốn làm gì thì làm. Như vậy làm sao kiểm soát được. Người ta phê phán dự thảo Luật Đầu tư (chung) là “đóng”, nhưng thực ra là rất “mở”.

Nhưng không thể là “mở toang” kiểu nhà đầu tư chỉ thành lập doanh nghiệp rồi thì muốn làm gì thì làm. Như vậy là không ổn, vì nước ta chưa phát triển đến mức độ đó.

Nghĩa là nếu “mở toang”, chúng ta sẽ gặp khó khăn về quản lý?

Khi các nhà ĐTNN vào Việt Nam, mặc dù chúng ta đã có nhiều luật, nhưng vẫn có không ít nhà đầu tư bịp bợm, đầu tư “dởm”, gây xáo trộn nền kinh tế Việt Nam. Cho nên, nếu “mở toang” không kiểm soát được, không những sẽ gây tác hại lớn đến nền kinh tế, mà còn tác động đến cả xã hội Việt Nam.

Quản lý yếu kém như vậy thì làm sao thu hút được đầu tư, thưa Bộ trưởng?

Qua tham khảo ý kiến các nhà đầu tư chiến lược (Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…), họ rất hoan nghênh quy định trong dự thảo Luật Đầu tư (chung). Đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc cho rằng cần phải có giấy phép đầu tư, bởi điều đó thể hiện trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam, và quyền cũng như trách nhiệm của nhà đầu tư. Họ muốn tất cả phải rạch ròi, đừng có “xin - cho”, chỉ một giấy phép đầu tiên là ghi rõ hết.

Thưa Bộ trưởng, so với các luật cũ, vấn đề “mở” rõ nhất trong dự thảo Luật Đầu tư (chung) là gì?

“Mở” nhất là quy trình cấp phép đầu tư gắn với mức vốn đầu tư như tôi vừa nêu ở trên - chỉ có dự án trên 300 tỷ đồng (khoảng 20 triệu USD), nhà đầu tư mới phải trình dự án và xin phép đầu tư, và được cấp phép đầu tư. Trong khi hiện tại, tất cả các dự án đầu tư đều phải có dự án, và phải xin phép đầu tư.

Với dự luật mới, nhà đầu tư cũng được tự chủ hoàn toàn, không bị tác động gì; có thể tự quyết định đầu tư, không bị ai thẩm định. Tuy nhiên, đối với một số ngành, lĩnh vực Việt Nam đang bảo hộ cho đầu tư trong nước theo lộ trình cam kết với quốc tế thì phải có một số điều kiện.

Cấp phép đầu tư thì “mở”, nhưng các ý kiến phản đối cho rằng: các quy định khác có thể dẫn đến sự ra đời của một số loại “giấy phép con” mới. Chẳng hạn như việc quy định phải có thẩm định về môi trường?

Tất cả các vấn đề về môi trường, xây dựng… đều là “hậu kiểm”. Với dự án trên 300 tỷ đồng, giấy phép đầu tư ghi rõ phải bảo đảm môi trường theo tiêu chuẩn Việt Nam, và sau này người ta sẽ kiểm tra.

Nhưng đối với dự án phổ thông có điều kiện thì vẫn phải thẩm tra một số vấn đề?

Đúng là một số dự án phải có điều kiện, cần phải thẩm tra. Chẳng hạn như dự án đầu tư về giáo dục, cần phải xem trong dự án đó thầy là ai, điều kiện trường học như thế nào; hay dự án về y tế thì xem có bác sĩ không, bác sĩ có bằng cấp không?… Vừa qua ở TP Hồ Chí Minh đã có một loạt cơ sở chữa bệnh đông y, người ta đưa “lang băm” vào chữa bệnh. Đó là một bài học.

Thưa Bộ trưởng, nghĩa là với Luật Đầu tư (chung), sẽ không có thêm một “giấy phép con” nào khác so với hiện nay?

Sẽ không có thêm một “giấy phép con” nào khác, thậm chí còn bớt đi.

Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Theo SGGP