1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Hà Nội

Lộ diện doanh nghiệp đưa hàng chục con “quái vật” vào ăn cát sông Hồng

(Dân trí) - Cơ quan điều tra đang tiến hành điều tra kẻ cầm đầu bảo kê cho nạn cát tặc hoạt động ngang ngược trong nhiều năm tại khu vực xã Vân Nam (Phúc Thọ, Hà Nội).

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Liên quan đến chuyên án 200 cảnh sát bắt nhóm cát tặc tại khu vực xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, cơ quan điều tra hiện đang tiếp tục mở rộng điều tra, triệu tập các đối tượng cầm đầu để làm rõ hành vi bảo kê khai thác trái phép tài nguyên Quốc gia.

Theo đó, hơn 30 đối tượng liên quan đến các hành vi khai thác cát trái phép và hoạt động bảo kê, cưỡng đoạt tài sản đã bị bắt giữ. Cùng ngày, cơ quan công an đã khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng. Nhiều sổ sách, hung khí và các tang vật liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật đã bị thu giữ. Theo đánh giá của cơ quan công an, ổ nhóm tội phạm khai thác cát trái phép vừa bị triệt phá đã hoạt động từ nhiều năm nay.

Mặt khác, cơ quan chức năng cho biết, hoạt động khai thác cát lậu trên diễn ra trong thời gian dài, có sự "bảo kê" và lợi dụng địa bàn giáp ranh giữa huyện Phúc Thọ và huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc). Hoạt động khai thác núp bóng dưới vỏ bọc của Công ty cổ phần thương mại Vân Phúc (giấy phép hoạt động là nạo vét, cứu cạn…). Trước đây công ty này có tên gọi khác nhưng sau nhiều lần bị báo chí phản ánh đã đổi tên nhằm qua mặt cơ quan chức năng.

Nạn cát tặc đã diễn ra nhiều năm tại địa bàn xã Vân Nam (Phúc Thọ, Hà Nội)

Nạn cát tặc đã diễn ra nhiều năm tại địa bàn xã Vân Nam (Phúc Thọ, Hà Nội)

Doanh nghiệp Vân Phúc đã tổ chức khai thác cát triệt để từ khu vực dưới chân cầu Thăng Long tới tận gần ngã ba Việt Trì theo kiểu hút cạn kiệt tài nguyên với số tiền thu lời bất chính hàng tỷ đồng mỗi ngày.

Trước đó, vào tháng 5/2014, trước nạn cát tặc ở Vân Nam (Phúc Thọ, Hà Nội), UBND thành phố Hà Nội đã có Công văn số 3309/UBND-NNNT cho ý kiến về tình hình khai thác cát trái phép này.

Theo đó, để tăng cường trật tự trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi, vật liệu xây dựng, UBND thành phố yêu cầu UBND huyện Phúc Thọ với trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn, tập trung chỉ đạo, chủ trì, chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật những trường hợp khai thác cát, kinh doanh cát, sỏi, vật liệu xây dựng không có giấy phép, sai phép trên địa bàn, bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều và các công trình thủy lợi trong phòng chống lụt bão...

Tuy nhiên, cho đến thời điểm tháng 9 vừa qua, phóng viên Báo điện tử Dân trí đã khảo sát và phát hiện việc nạn cát tặc vẫn ngang nhiên hoành hành, chính quyền địa phương gần như bất lực. Đặc biệt, việc hút cát còn dẫn đến xảy ra tai nạn chìm tàu trên sông Hồng.

Cụ thể, khoảng 7h30 ngày 4/9, tại Km222, phía bờ phải sông Hồng, thuộc xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ, Hà Nội xảy ra vụ tại nạn giao thông đường thuỷ nghiêm trọng.

Hậu quả, chiếc tàu chở cát mang số hiệu NĐ – 1252, có trọng tải 199 tấn, công suất 108CV, do anh Trần Hữu Nam (38 tuổi, ở xã Xuân Trung, huyện Xuân Trưởng, tỉnh Nam Định) điều khiển bị chìm xuống đáy sông Hồng sâu khoảng gần 20m.

Nhiều người dân sống ở quanh khu vực xảy ra vụ tai nạn giao thông đường thuỷ này cho hay, chiếc tàu NĐ- 1252 chìm rất nhanh, chỉ trong vài giây.

Theo người dân, lúc xảy ra tai nạn, chiếc tàu NĐ- 1252 vẫn đang lấy cát từ một chiếc tàu khác. “Nguyên nhân đắm tàu là do chiếc tàu này đã mua cát quá trọng tải cho phép, do sơ suất trong lúc chuyển cát từ tàu hút cát sang tàu NĐ- 1252 nên đã khiến chiếc tàu này tự chìm”, một người dân cho biết.

Ghi nhận thực tế, xung quanh khu vực xảy ra vụ tai nạn giao thông đường thuỷ trên có khoảng hơn 20 chiếc tàu cuốc và tàu hút cát đang rầm rộ “khoét” lòng sông Hồng.

Mé bờ phải sông Hồng đã bị sạt lở và đang có dấu hiệu sạt lở nghiêm trọng hơn. Còn theo người dân nơi đây phản ánh, vị trí tàu NĐ- 1252 bị chìm không nằm trong khu vực khai thác cát đã được các cơ quan chức năng cấp phép.

Ngay sau khi báo điện tử Dân trí phản ánh, cơ quan công an đã vào cuộc để tiếp tục truy quét triệt để nạn cát tặc.

Cho đến rạng sáng 8/11, hơn 200 cảnh sát thuộc Cục Cảnh sát đường thủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động phối hợp cùng CAH Phúc Thọ (Hà Nội) đã mật phục, triệt phá ổ nhóm hoạt động khai thác cát trái phép quy mô lớn trên sông Hồng, đoạn qua địa bàn huyện Phúc Thọ.

Nhóm PV

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”