1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Lộ diện chiêu bài bán khống

Ngày 11/10, vụ bán khống lần thứ hai được cơ quan quản lý phát hiện và xử lý làm “nức lòng” giới đầu tư chân chính.

Mặc dù mức xử phạt không phải là cao, nhưng chí ít cũng phát đi một thông điệp quan trọng: Cơ quan quản lý hoàn toàn có thể giám sát được hoạt động bán khống vốn lâu nay tạo bức xúc trên thị trường.
 
Lộ diện chiêu bài bán khống
Ngày 11/10, vụ bán khống lần thứ hai được cơ quan quản lý phát hiện và xử lý làm “nức lòng” giới đầu tư chân chính.

 

Phạt bao nhiêu là đủ?

 

Thông tin phát đi từ Ủy ban CK nhà nước (SSC) ngày 11/10 cho biết, hai đối tượng là ông Nguyễn Viết Xuân - người hành nghề CK và bà Phạm Thị Sương - nhân viên môi giới của CTCK TPHCM (mã CK: HCM) đã vi phạm quy định về cấm bán khống. Cụ thể, hai đối tượng này đã cho khách hàng mượn CK trên tài khoản của khách hàng khác để bán. Mỗi đối tượng đã bị phạt 85 triệu đồng, đồng thời ông Nguyễn Viết Xuân bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề CK.

 

Bản thân CTCK TPHCM cũng bị phạt 105 triệu đồng do đã bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề CK thực hiện nghiệp vụ môi giới, mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề CK, đồng thời chưa thực hiện giám sát, ngăn ngừa một cách hiệu quả, để xảy ra vi phạm của người hành nghề, nhân viên môi giới. Sự việc này làm người ta nhớ lại vụ việc của CTCK Đại Nam hồi tháng 9 vừa qua. Cty này cũng đã cho khách hàng vay CK để bán và bị phạt 150 triệu đồng.

 

Mặc dù đa số NĐT nhỏ lẻ - những người rất tuân thủ quy định về giao dịch và thường không thể tiếp cận được với nguồn hàng để có thể bán khống hoặc lướt sóng ngắn hơn T+3 – đều hồ hởi trước thông tin bóc trần hành vi bán khống nói trên, nhưng vẫn có nhiều ý kiến cho rằng mức phạt còn quá nhẹ. Nhiều bán tán sôi nổi trên các diễn đàn CK nhận xét, mức phạt vài chục đến trăm triệu đồng chẳng bõ bèn gì so với những khoản lợi nhuận kiếm được từ các phi vụ bán khống.

 

Điều này không phải là không có lý, khi chỉ từ vài tuần đầu tháng 9 đến nay, thị trường đã sụt giảm rất mạnh và nếu thực hiện bán khống, mức lợi nhuận có thể lên tới hàng chục phần trăm.

 

Tuy nhiên cũng phải lật lại vấn đề, những nghi vấn đôi khi dựa trên tình trạng thiếu thông tin. Đây cũng là một thiếu sót khi cơ quan quản lý công bố thông tin một cách mơ hồ, hầu hết chỉ viện dẫn các điều khoản luật pháp và đưa ra con số tiền phạt, mà không cung cấp cụ thể hành động bán khống như thế nào. Thậm chí trong nhiều trường hợp, việc bán khống có thể dẫn đến khoản lỗ lớn, chứ không phải lãi như đồn thổi.

 

Thông điệp mạnh mẽ

 

Tình trạng bán khống từ lâu vốn là một hoạt động diễn ra trên thị trường theo kiểu “ai cũng biết, chỉ cơ quan quản lý là không biết”. Nói như vậy là không công bằng, vì từ thông tin đồn thổi đến nghi vấn để giám sát và cuối cùng là “khép tội” cho các cá nhân, tổ chức là công việc vô cùng khó khăn. Hiện tượng làm giá có thể còn dễ phát hiện hơn hiện tượng bán khống, vì đặc thù chỉ riêng có ở TTCK VN.

 

Với hệ thống quản lý CK chi tiết đến từng tài khoản NĐT, Trung tâm lưu ký CK hoàn toàn đủ năng lực để hủy tất cả những giao dịch bán khống, tức là đặt lệnh bán mà trong tài khoản không có CK. Do đó, việc bán khống đúng nghĩa là không thể thực hiện được.

 

Hành động bán khống đang diễn ra hoàn toàn mang tính chất khác: Các NĐT (cá nhân lẫn tổ chức) vay mượn CK của nhau để bán. Hành động này có sự hợp tác và đồng thuận của cả hai bên, đặc biệt là bên có CK. Người bán là chủ tài khoản, trong tài khoản thực có CK, khiến cơ quan giám sát rất khó phân biệt lệnh bán đó có mang tính chất “bán khống” hay không.

 

Thậm chí trước đây đã có thông tin cơ quan quản lý sẽ tung “lực lượng đặc nhiệm” đi điều tra hoạt động bán khống bằng cách đóng giả NĐT. Không rõ phương pháp điều tra này có hiệu quả đến đâu, nhưng mới có hai vụ bán khống bị phát hiện, trong khi gần như các NĐT đều biết hoạt động này diễn ra một cách phổ biến. Không ít nhân viên, thậm chí cả CTCK vẫn đang nỗ lực tạo kho hàng, móc nối mạng lưới khách hàng để cung cấp dịch vụ vay mượn CK.

 

Hồi đầu tháng 9 vừa qua, SSC cũng đã gửi công văn yêu cầu các CTCK, Cty quản lý quỹ không được thực hiện bán hoặc cho khách hàng bán CK khi không sở hữu CK và cho khách hàng vay CK để bán. Đây là lần đầu tiên vấn đề bán khống được đặt ra “lệnh” cấm trực tiếp. Hai quyết định xử phạt sau đó đã góp phần tạo uy tín lớn cho cơ quan quản lý khi “nói là làm”.

 

Mặc dù chưa thể khẳng định hiện tượng bán khống sẽ hạn chế, nhưng chí ít một thông điệp mạnh mẽ đã được phát đi và NĐT chân chính có thêm niềm tin vào khả năng giám sát thị trường.

 

Theo Hoàng Nguyên

Lao động