1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

“Lật tẩy” nhiều hành vi cạnh tranh bóp méo thị trường

(Dân trí) - Báo cáo đánh giá cạnh tranh trong các lĩnh vực của nền kinh tế do Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) công bố ngày 14/10 cho thấy, nhiều hành vi vi phạm luật cạnh tranh đang bóp méo thị trường, đặc biệt trong lĩnh vực sữa, xăng dầu.

“Lật tẩy” nhiều hành vi cạnh tranh bóp méo thị trường - 1
Không loại trừ khả năng các hãng sữa liên kết trong việc tăng giá (ảnh: NLĐ)
 
Theo kết quả của nhóm nghiên cứu, mặt hàng sữa đang có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong ngành thực phẩm ở Việt Nam song đang ẩn chứa nhiều nguy cơ xảy ra các hành vi phản cạnh tranh, gây thiệt hại cho khách hàng. Đó là hiện tượng liên kết chiều ngang để ấn định giá, liên kết chiều dọc để đẩy giá lên cao.
 
Ví dụ, thông qua liên kết dọc, nhà xuất khẩu bán sản phẩm cho nhà nhập khẩu thứ 3 thông qua nhà xuất khẩu trung gian ở nước thứ 3. Trong trường hợp này, giá sữa ghi trên hoá đơn nhập khẩu vào Việt Nam đội lên rất nhiều.
 
Hoặc bên xuất khẩu và nhập khẩu liên kết ghi hoá đơn với giá thấp hơn thực tế để tránh thuế nhập khẩu. Nhà nhập khẩu sẽ bán sản phẩm với giá cao và để hợp lý chi phí, họ chuyển một phần lớn chênh lệch giá vào chi phí quảng cáo, khuyến mãi, chi phí bán hàng… Tất cả các chi phí đội lên đều do người tiêu dùng gánh chịu.
 
Một vấn đề đáng lưu ý với mặt hàng sữa là tâm lý sính ngoại đã khiến các doanh nghiệp càng tăng giá càng bán được hàng thông qua việc quảng cáo khuyếch trương sai sự thật.
 
Một số doanh nghiệp sữa đã lợi dụng thực tế này để kích cầu tiêu thụ sản phẩm thông qua việc tăng giá bán!. Giá sữa còn bị chi phối bởi hành vi quảng cáo sai sự thật, gièm pha nói xấu đối thủ, tiếp thị thông qua đội ngũ y bác sĩ…
 
Với giá sữa, dù chưa phát hiện bằng chứng các công ty sữa liên kết với nhau tăng giá nhưng Cục Quản lý cạnh tranh khẳng định không thể loại trừ khả năng này.
 
Trong lĩnh vực xăng dầu thì độc quyền đang có những ảnh hưởng nhất định. Cả nước hiện có 10 doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu nhưng đều là doanh nghiệp nhà nước, riêng Tổng công ty xăng dầu VN (Petrolimex) đã chiếm 60% thị phần.
 
Qua nhiều cơ chế quản lý giá khác nhau nhưng mặt hàng xăng dầu hiện nay vẫn là mặt hàng “một giá” vì chưa có cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay, giá xăng dầu trong nước vẫn chưa tăng, giảm theo giá thế giới. Đặc biệt, mỗi lần điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, các doanh nghiệp lại có chung một mức điều chỉnh và gần như trong cùng một thời điểm.
 
Theo báo cáo đánh giá, hành vi này có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh về việc thoả thuận ấn định giá, quy định tại điều 14 Nghị định 116 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh…
 

10 lĩnh vực được xem xét đánh giá bao gồm 5 ngành sản xuất (sữa, thép, xi măng, thức ăn chăn nuôi, phân bón) và 5 ngành dịch vụ (ngân hàng, bảo hiểm, xăng dầu, viễn thông và hàng không). Trong đó, khu vực sản xuất được đánh giá là có nhiều hành vi vi phạm luật cạnh tranh hơn.

 
Lan Hương