1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Lãng phí trong đầu tư công, quản lý tài sản công: Bộ trưởng bị chất vấn gì?

Trần Kháng

(Dân trí) - Đặt vấn đề chất vấn, theo đại biểu Quốc hội, cử tri cho biết hiện nay đầu tư công chưa thật sự tiết kiệm mà thậm chí còn lãng phí rất lớn.

Lo ngại đầu tư công chưa thật sự tiết kiệm

Đặt vấn đề chất vấn tại phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn sáng 6/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) cho biết, thực hiện Nghị quyết số 74 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện việc chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53 để triển khai thực hiện nội dung Nghị quyết của Quốc hội đã được thể chế hóa thành những nhiệm vụ, công việc trọng tâm của Chính phủ với 6 giải pháp chung và 26 nhiệm vụ cụ thể.

Tuy nhiên, trên lĩnh vực này, cử tri cho rằng hiện nay đầu tư công chưa thật sự tiết kiệm mà thậm chí còn lãng phí rất lớn.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu suy nghĩ như thế nào về nhận định và ý kiến này của cử tri? "Với trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ trên lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ trưởng có những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả, giảm tình trạng lãng phí trong đầu tư công", đại biểu nêu. 

Lãng phí trong đầu tư công, quản lý tài sản công: Bộ trưởng bị chất vấn gì? - 1

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) hỏi suy nghĩ của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc về ý kiến của cử tri liên quan tới câu chuyện đầu tư công chưa thực sự tiết kiệm mà thậm chí còn lãng phí lớn (Ảnh: Quochoi.vn).

Trước quan điểm cho rằng, quy định về các định mức không phù hợp gây ra lãng phí trong đầu tư công đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, qua nghiên cứu định mức xây dựng đối với một số công trình giao thông, kiến trúc cho thấy, không thấy lãng phí mà nhiều định mức thấp hơn so với chi phí như định mức nhân công.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, lãng phí đầu tư công không phải ở định mức mà là ở quá trình triển khai như để công trình chậm đưa vào sử dụng, vốn chờ công trình hay công trình chờ vốn... Các định mức đối với công trình xây dựng cơ bản được triển khai nhiều năm, qua nhiều công trình đều bảo đảm chặt chẽ.

Lãng phí trong đầu tư công, quản lý tài sản công: Bộ trưởng bị chất vấn gì? - 2

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc được chất vấn về câu chuyện lãng phí trong đầu tư công, quản lý tài sản công (Ảnh: Quang Phúc).

Về tiết kiệm trong đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ đồng tình với Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Theo đó, về vấn đề đầu tư công, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thất thoát, có thể từ khâu lựa chọn dự án, có thể do quy mô của dự án không được xác định rõ ràng, hoàn chỉnh ngay từ đầu; công tác chuẩn bị đầu tư, nếu khảo sát tốt thì quá trình triển khai sẽ nhanh hơn, không bị tăng chi phí.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng còn nhiều lý do từ các khâu thiết kế, khảo sát thiết kế, tổ chức thực hiện, khiến kéo dài dự án, giảm hiệu quả tiết kiệm trong đầu tư công.

Quản lý tài sản công vẫn còn nhiều bất cập

Tranh luận về công tác quản lý tài sản công, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, mặc dù đã có Luật Quản lý tài sản công, Chính phủ đã ban hành một loạt Nghị quyết, đặc biệt mới đây Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 74. Tuy nhiên, vấn đề quản lý tài sản công vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập.

Đại biểu cho biết, cử tri rất băn khoăn về tình trạng lãng phí, tiêu cực trong quản lý tài sản công, sử dụng tài sản công trong thời gian qua cho thấy những bất cập và lỗ hổng trong quản lý tài sản công như Bộ trưởng Bộ Tài chính đã nêu.

Đặc biệt, là những vụ việc quản lý công sản thời gian qua, cho thấy thước đo về niềm tin của nhân dân đối với quản lý tài sản công có vấn đề; các kiến nghị Kiểm toán Nhà nước cũng chưa được thực hiện nghiêm túc.

Lãng phí trong đầu tư công, quản lý tài sản công: Bộ trưởng bị chất vấn gì? - 3

Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng (Ảnh: Quang Phúc).

Về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sẽ điều chỉnh cơ chế, chính sách, pháp luật, tuy nhiên đại biểu băn khoăn đang làm chậm, sẽ còn nhiều tiêu cực, thất thoát, lãng phí sẽ phát sinh. Vì vậy, cần có lộ trình thời gian cụ thể; Kiểm toán Nhà nước cũng cần kiến nghị trách nhiệm rõ ràng, cụ thể, hạn chế tình trạng lãng phí, tiêu cực.

Về vấn đề quản lý tài sản công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, công tác này thuộc thẩm quyền của nhiều ngành, nhiều cấp, trách nhiệm thuộc về người trực tiếp quản lý tài sản công, thủ trưởng của các đơn vị quản lý tài sản công, nếu mất mát thì trách nhiệm là ở cơ quan quản lý tài sản đó. Bộ Tài chính có vai trò hướng dẫn các văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý, định mức kinh tế kỹ thuật.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, vấn đề cần thực hiện hiện nay là cần nâng cao trách nhiệm quản lý tài sản công, cụ thể hóa, cá thể hóa đến từng người quản lý tài sản. Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh đôn đốc, thanh tra, kiểm tra đối với công tác này.