1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Du lịch miền Trung:

Làm sao để thu hút khách Nhật Bản?

(Dân trí) - Theo thống kê, trong năm 2009, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đón trên 2,1 triệu lượt du khách trong và ngoài nước, song du khách Nhật Bản chỉ chiếm đến 4%. Làm sao để thu hút khách Nhật đang là nỗi trăn trở của ngành du lịch 3 địa phương này.

Mổ xẻ những nguyên nhân và bàn giải pháp thu hút khách Nhật đến miền Trung là những chủ đề được bàn luận sôi nổi tại một hội thảo giữa lãnh đạo ngành du lịch của 3 tỉnh thành và các công ty lữ hành, doanh nghiệp khách sạn và Vietnam Airline vừa được tổ chức hôm qua (13/5).
 
Có thể nói khu vực miền Trung, cụ thể là 3 tỉnh thành Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam, không thiếu những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong nước và ngoài nước.
 
Khu vực này có tới 4 Di sản Văn hóa thế giới như: Cố đô Huế, phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn, Nhã nhạc cung đình Huế và nhiều bãi biển đẹp được đánh giá cao như Lăng Cô (Huế), Mỹ Khê (Đà Nẵng), Hà My, Cửa Đại (Quảng Nam)...khiến nhiều du khách chỉ nghe thôi đã muốn đến.
 
Đặc biệt, Cù Lao Chàm đã được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới càng làm cho ngành công nghiệp không khói khu vực này thêm cuốn hút với du khách.
 
Bên cạnh đó, vùng đất này còn có nhiều lễ hội đặc sắc giữa truyền thống và hiện đại như: Festival Huế, Lễ hội Quảng Nam - Hành trình di sản, pháo hoa quốc tế Đà Nẵng... cho thấy, tiềm năng về du lịch là rất lớn và nhiều triển vọng.
 
Làm sao để thu hút khách Nhật Bản?  - 1
Chùa Cầu, một công trình kiến trúc đặc trưng của Nhật Bản tại Hội An.
 
Hấp dẫn là vậy, tiềm năng là thế, vậy tại sao lượng du khách Nhật Bản vẫn chỉ ở con số khiêm tốn trong khi đây là một thị trường khách đầy tiềm năng vì mỗi năm có trên 25 triệu lượt người Nhật Bản đi du lịch khắp thế giới?
 
Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VHTT-DL Quảng Nam lý giải: Nhật Bản là một thị trường đầy tiềm năng đối với phát triển kinh tế du lịch của khu vực miền Trung. Tuy nhiên, lượng du khách Nhật Bản đến ít có thể là do thực trạng các dịch vụ ngoài lưu trú còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu của họ.
 
Vì vậy theo ông Hài, để nâng cao chất lượng và xây dựng sản phẩm dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu của khách Nhật Bản được xác định là một mục tiêu hết sức quan trọng của ngành du lịch 3 địa phương trên.
 
Theo Giáo sư Iijima Yukichika, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch toàn cầu, điều quan trọng là phải hiểu biết cách thức và nắm bắt đặc tính đi du lịch của người Nhật, hiểu mục đích du lịch nước ngoài của họ là gì?
 
Ông cho biết, du khách Nhật đi du lịch chỉ trong khoảng thời gian từ 2-3 ngày, dài nhất cũng chỉ 1 tuần do áp lực về công việc nên ảnh hưởng đến thói quen đi du lịch của họ.
 
Ngoài ra, ông Iijima Yukichika cũng cho biết, du khách Nhật rất yêu thích món ăn của đất nước mình, đến đâu họ cũng muốn được thưởng thức. Do đó, đòi hỏi phải có nhiều nhà hàng, khách sạn mang phong cách Nhật trên địa bàn.
 
Ông Toshikazu Suzuki, Giám đốc Viện tư vấn và đào tạo nguồn nhân lực Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, giữa Nhật Bản và miền Trung nói chung và Hội An nói riêng có mối quan hệ truyền thống lâu đời. Điển hình là từ thế kỷ 17 đã có thương thuyền của Nhật cập cảng Hội An làm ăn buôn bán, nhưng sau một thời gian khá dài việc giao thương này bị đình trệ.
 
Do đó, hiện nay người Nhật rất muốn đến đây khám phá vùng đất mà cha ông của họ đã từng đặt chân đến. Và ông mong muốn có nhiều chương trình giới thiệu về vùng đất này đến với người Nhật nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, một vấn đề hiện nay là ở khu vực này, hướng dẫn viên tiếng Nhật hầu như không đáp ứng được nhu cầu của khách Nhật.
 
Ông Toshikazu Suzuki cho biết, khách Nhật muốn có hướng dẫn viên giỏi tiếng Nhật để giới thiệu cho họ vì người Nhật không thích nghe hướng dẫn bằng tiếng Anh, không tạo được sự an tâm cho du khách...
 
Bên cạnh đó, một khó khăn để khu vực này có thể thu hút khách Nhật là công tác xúc tiến chưa mạnh. Mong muốn của những người quản lý và làm du lịch ở khu vực là có văn phòng chung của các tỉnh thành này tại Nhật Bản để quảng bá, xúc tiến có hiệu quả hơn và tạo cho 3 địa phương này thành một điểm đến không thể thiếu đối với khách Nhật vì hiện nay công tác liên kết du lịch ở các địa phương này chưa cao.
 
Mặc khác, việc mở đường bay trực tiếp từ Nhật Bản đến khu vực cũng chưa được thực hiện vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan.
 
Đồng thời, các địa phương phải xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc trưng riêng biệt, không trùng lặp mới có thể níu chân khách Nhật đến đây.
 
Công Bính