1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Làm nông nghiệp kiểu “cầu may”, nơm nớp lo ép giá

(Dân trí) - Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội phiên họp sáng nay 8/6, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng về tình trạng tiêu thụ - xuất khẩu nông sản, được mùa mất giá, mất thị trường...

Bà con nông dân được hưởng lợi như thế nào?

Theo đánh giá của đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), các số liệu thống kê hiện nay cho thấy nhiều mặt hàng nông sản mất giá, mất thị trường: Gạo gặp phải những đối thủ như Campuchia, Lào, Bangladesh; thủy sản khó khăn, vải thiều, dưa hấu, hành tím... chật vật tìm đầu ra.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị).
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị).

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 

Trong 5 tháng đầu năm, cán cân thương mại đã thâm hụt lớn, chủ yếu do sức cạnh tranh những mặt hàng chủ lực (nông sản, đồ gỗ, dệt may…) giảm trong bối cảnh tiền đồng lên giá so với các đối thủ cạnh tranh như Indonesia, Malaysia…

Trong bối cảnh này, đại biểu Đồng đặt câu hỏi: “Tái cơ cấu nông nghiệp thời gian qua đã làm được gì? Sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam vẫn chủ yếu theo kiểu “cầu may”, cạnh tranh bằng giá rẻ và luôn nớm nớp liệu có bị ép giá hay không.

Tôi rất muốn nghe Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương xem có ai có thể trả lời câu hỏi làm sao để đưa nông sản Việt Nam vào các nước Nga, Kazakhstan, Belarus hay Hàn Quốc?”.

Còn theo đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM): Như nhiều kỳ trước, giải pháp nêu trong báo cáo của Chính phủ tiếp tục mang nặng tầm vĩ mô và ý chí quyết tâm như chủ động, tăng cường, tiếp tục, tập trung, đẩy mạnh; thiếu giải pháp thiết thực mang tính đột phá để khắc phục, từng bước giải quyết những khó khăn, hạn chế đó.

“Chẳng hạn, vì sao sản xuất nông nghiệp tăng trưởng thấp, có phải do thị trường tiêu thụ hạn chế hay chất lượng nông sản thấp? Các cụ dạy rằng, trăm người bán, vạn người mua; cứ sản xuất nhiều nhưng thiếu thị trường tiêu thụ, có thị trường tiêu thụ nhưng chất lượng hàng hoá thấp thì có bán được không?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM).
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM).

Theo đại biểu Đương: “Gần như năm nào, Chính phủ cũng ứng tiền ra để thu mua tạm trữ lúa gạo nhưng thử hỏi đến nay chúng ta đã đánh giá hiệu quả tác động của giải pháp tình thế này đến đâu, bà con nông dân được hưởng lợi như thế nào? Có ý kiến phản ánh rằng, khi có chủ trương này thì hầu như bà con nông dân đã bán hết để trang trải nợ nần, chi phí sản xuất, chỉ còn thương lái đã thu gom mua trước đó, vậy có phải là chúng ta mua lại của thương lái hay không?”

Trước thực tế đó, ông Đương cho rằng, giải pháp để tăng cường xuất khẩu hàng nông sản nên theo hướng mở rộng thị trường tiêu thụ, như hợp tác mạnh mẽ với các nước có công nghệ cao, công nghệ sạch (Nhật, isarel) trong sản xuất nông nghiệp, tìm nhu cầu thị trường để xác định địa chỉ tiêu thụ, để ấn định quy mô sản xuất, cơ cấu, vật nuôi cây trồng phù hợp.

“Chẳng hạn thị trường ăn ngon thì trồng loại lúa dài ngày chất lượng cao, thị trường cần ăn no thì trồng lúa ngắn ngày để xuất khẩu (Campuchia người ta từng làm như vậy).

Tại sao Isarel mưa ít, nắng nhiều nhưng người ta còn biến hoang mạc thành những cánh đồng tươi tốt trong khi đất nước chúng ta nắng lắm mưa nhiều nhưng hạn hán diễn ra nghiêm trọng? Tôi rất đau lòng khi đồng bào ở các vùng Trung bộ, Tây nguyên đồng khô, cỏ cháy, gia súc chết dần, chết mòn. Tình trạng này liên quan gì đến việc làm thuỷ điện, đến phá rừng không? Hay do biến đổi khí hậu gây nên? Giải pháp cung cấp nước cho các vùng xảy ra hạn hán kéo dài là tăng thêm hồ chứa hay đào kênh dẫn nước, hay buộc phải thay đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng và lộ trình thực hiện”, đại biểu Đương trăn trở.

Đánh giá thẳng thắn tại nghị trường, đại biểu Đương đề nghị với từng hạn chế, khó khăn của từng lĩnh vực kinh tế - xã hội, báo cáo lần sau cần phải nêu ra để các đại biểu phân tích, mổ xẻ nguyên nhân, góp phần cùng Chính phủ đề ra giải pháp thiết thực cụ thể, nhất là giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế to lớn của chúng ta về kinh tế nông nghiệp, ngư nghiệp, kinh tế du lịch.

“Người dân đang ngóng trông những cú hích mạnh mẽ về chính sách, sự đầu tư thoả đáng của Nhà nước vào lĩnh vực này để tạo đột phá về tang trưởng kinh tế và phát triển bền vững”, đại biểu nhấn mạnh.

Kinh tế phục hồi nhờ “uống thuốc khoẻ”?

Đánh giá nền kinh tế phục hồi đáng kể, môi trường đầu tư có những chuyển biến tích cực, nhưng đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho hay, khi kinh tế đang ngày càng hội nhập sâu, thời cơ và thách thức mới càng trở nên quyết liệt, chúng ta cần phải nhìn thẳng vào sự thật, phân tích và đánh giá đúng thực chất của sự phục hồi này, đặc biệt những mất cân đối lớn của nền kinh tế đang có những dấu hiệu mà theo tôi cần phải nghiêm túc đánh giá.

Bởi theo vị đại biểu này, sự phục hồi kinh tế hiện nay nhờ “uống thuốc khỏe”, mà chủ yếu là sự ứng phó thụ động tình huống suy thoái xảy ra, chứ chưa vận hành lành mạnh theo một lộ trình với những biện pháp chủ động, đồng bộ.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng).
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng).

Đại biểu Nghĩa nêu: Phục hồi chủ yếu vẫn chỉ là tăng trưởng số lượng, chưa thay đổi chất lượng và sức cạnh tranh. Cơ cấu và mô hình tăng trưởng cũ sau hai năm tái cơ cấu hầu như vẫn chưa có chuyển biến căn bản. Tình trạng mất cân đối giữa khu vực sản xuất nội địa và khu vực FDI ngày càng sâu sắc. Năng lực sản xuất khu vực doanh nghiệp  nội địa vẫn yếu, gặp nhiều khó khăn, chưa bảo đảm để trở lại tình trạng bình thường. Trong khi đó, khu vực FDI tiếp tục tăng trưởng nhanh.

Về nguyên tắc, việc gia tăng xuất khẩu từ nguồn FDI là xu hướng phổ biến và tích cực, song điều cần nhấn mạnh là sự gia tăng ấy phải trên nền tảng năng lực và hiệu quả phát triển của khu vực nội địa không ngừng tăng trưởng. Môi trường kinh tế trong nước đang có vấn đề lớn, việc phá sản, dừng hoạt động của doanh nghiệp nội địa tiếp tục gia tăng, năm sau cao hơn năm trước, quý I năm 2015 đóng cửa nhiều hơn quý I năm 2014. Trong khi đó, tỷ trọng khu vực FDI trong GDP không ngừng tăng nhanh, đặc biệt trong cơ cấu xuất nhập khẩu. Năm 2014, khu vực FDI chiếm gần 60% kim ngạch nhập khẩu và hơn 65% kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế.

Đối với cơ cấu xuất nhập khẩu, theo đại biểu Nghĩa, điểm bất cập lớn nhất là chất lượng xuất khẩu vẫn tập trung hàng nông sản sơ chế, trong khi đó lại nhập hàng trung gian nhiều, chủ yếu là linh kiện lắp ráp, phụ kiện gia công và đầu vào cơ bản cho nông nghiệp. 

Cơ cấu nhập khẩu như vậy chỉ để phục vụ một nền kinh tế thụ động, việc tham gia vào chuỗi giá trị mới của thế giới rất hạn chế, trình độ công nghệ sản xuất vẫn dưới mức trung bình của thế giới. Trong khi đó, xuất khẩu hàng tiêu dùng nhiều, chủ yếu là hàng gia công dệt may, da giày. 

"Dường như chúng ta đang cố duy trì thật lâu nền kinh tế công nghệ thấp, năng suất lao động và giá trị gia tăng thấp!?", đại biểu Nghĩa nói.

 Bài: Nguyễn Hiền

Ảnh: Việt Hưng


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”