1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Lãi suất vẫn... rối

Sau khi Ngân hàng Nhà nước có động thái răn đe những ngân hàng huy động vốn với 17 - 18%/năm, hầu hết các ngân hàng đều niêm yết lãi suất tiết kiệm còn 12 - 14%/năm. Tuy nhiên, khi khách hàng mang tiền đến gửi thì lãi suất thực tế cao hơn nhiều.

Lãi suất vẫn... rối  - 1
Hiện mức lãi suất tiết kiệm thực tế đang cao hơn mức thông báo chính thức của các ngân hàng từ 2%-2,5%/năm.

Thay đổi hằng ngày

Sáng 9/12, chị T.P.T (phường 10, quận Gò Vấp-TPHCM) đến Ngân hàng Phương Nam rút tiền tiết kiệm 50 triệu đồng rồi gửi lại. Nhân viên ngân hàng Phương Nam cam kết (không có văn bản) lãi suất thực tế chị T. được hưởng là 16%/năm nhưng sổ tiết kiệm chỉ thể hiện mức lãi suất 12%/năm.

“Do đã quen thuộc khi gửi tiền tại ngân hàng này nên tôi quyết định gửi lại 50 triệu đồng. Tuy nhiên, khi tôi hỏi vài ngày nữa là đến thời điểm đáo hạn ba sổ tiết kiệm còn lại, mỗi sổ 50 triệu đồng có được hưởng lãi suất 16%/năm không thì nhân viên Ngân hàng Phương Nam cho hay lãi suất có thể thay đổi”, chị T. cho biết.

Để tìm hiểu thêm về lãi suất, chúng tôi đến Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) đề nghị tư vấn lãi suất tiết kiệm. Thấy tôi mặc chiếc áo có in dòng chữ VIB (Ngân hàng Quốc tế), nhân viên VPBank dè dặt hỏi: “Anh định gửi bao nhiêu? Tiền đã có sẵn hay sẽ rút tiền từ ngân hàng khác?”. “200 triệu đồng” - tôi trả lời, lập tức nhân viên này thông báo lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1-3 tháng của ngày 9/12 là 16,5%/năm được ghi trên sổ tiết kiệm.

“Nếu tuần sau mang tiền đến gửi lãi suất bao nhiêu?”, tôi hỏi. “Thị trường biến động hằng ngày nên ngân hàng sẽ xác định mức lãi suất tiết kiệm tại thời điểm khách hàng mang tiền đến gửi”, nhân viên VPBank cho hay.

Tại Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank), chúng tôi ghi nhận lãi suất tiết kiệm cao nhất xuống còn 14%/năm (chiều 8/12, lãi suất tiết kiệm tại ngân hàng này là 18%/năm). Nhân viên SeABank cho biết: Với số tiền gửi 100 triệu đồng, kỳ hạn 3 tháng được tặng thẻ mua hàng siêu thị giá trị tương đương 1,2% lãi suất nhưng thực tế khách hàng nhận tiền mặt tại thời điểm gửi tiền, tính ra lãi suất thực gửi là 15,2%/năm.

“Vì sao lãi suất của SeABank thấp hơn các ngân hàng khác?” - chúng tôi hỏi. “Huy động vốn với lãi suất cao coi chừng Ngân hàng Nhà nước hỏi thăm sức khỏe”, nhân viên SeABank bộc bạch...

Sau khi tạo sốc bằng chương trình huy động vốn với lãi suất 17,6%/năm được 8 giờ (ngày 8/12), Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) niêm yết lãi suất cao nhất còn 13,5%/năm.

Thế nhưng, khi chúng tôi ngỏ ý gửi tiết kiệm 300 triệu đồng thì nhân viên Techcombank cho biết lãi suất sẽ thay đổi mỗi ngày. Riêng ngày 9/12, lãi suất được ghi trên sổ tiết kiệm là 16,8%/năm và ngân hàng chỉ chấp nhận kỳ hạn một tháng; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ nhân viên, phương tiện nếu khách hàng rút tiền từ nơi khác về gửi tại Techcombank...

Do thị trường có hiện tượng dịch chuyển tiền nên một số ngân hàng lớn khác cũng e ngại khách hàng ra đi, nhanh tay tung ra các chương trình tiết kiệm, lãi suất 13,5%-14%/năm nhưng kèm theo khuyến mãi, thậm chí có ngân hàng tặng quà bằng hiện kim giá trị lên đến 2%/năm...

“Chặt đẹp” ngân hàng bạn

Trong đợt biến động lãi suất lần này có hiện tượng các ngân hàng nhỏ gặp khó khăn về nguồn vốn, nhưng khi vay vốn ngân hàng bạn (thị trường liên ngân hàng) phải vay với lãi suất quá cao.

Để bù đắp thanh khoản, ngân hàng nhỏ buộc phải tăng thêm lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng nhằm thu hút nhanh tiền gửi từ dân cư hơn là vay vốn từ ngân hàng bạn song vẫn khó khăn vì mạng lưới hoạt động quá mỏng, uy tín chưa cao... Còn ngân hàng lớn chớp thời cơ ngân hàng nhỏ khó khăn về nguồn vốn để “chặt đẹp” lãi suất cho vay 20%-35%/năm (thời hạn vay chỉ một tuần).

Giải thích hiện tượng này, lãnh đạo một số ngân hàng lớn cho rằng lãi suất liên ngân hàng cao hay thấp phụ thuộc vào cung cầu của thị trường. Việc thế chấp giấy tờ có giá vay vốn ngân hàng Nhà nước (thị trường mở) chỉ được 7 ngày nên các ngân hàng lớn cho ngân hàng nhỏ vay lại cũng với thời gian tương ứng. Do đó, ngân hàng nhỏ không đủ thời gian để cân đối các nguồn vốn...

Với mặt bằng lãi suất đầu vào 15,2% - 16,8%/năm, cộng với chi phí kinh doanh đã đẩy mặt bằng lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng hiện đã lên đến 18%-20%/năm...

Trước thực trạng trên, TS Lê Thẩm Dương (Trường ĐH Ngân hàng TPHCM) nhận xét: Thị trường lãi suất cuối năm 2010 đang diễn biến tương tự như năm 2008. Lúc đó, các ngân hàng mạnh vốn đã “thắng lớn” khi cho ngân hàng bạn vay tiền. ngân hàng Nhà nước phải ra tay chấn chỉnh lãi suất liên ngân hàng bằng cách quy định lãi suất cho vay ngân hàng bạn không quá 13%/năm.

TS Lê Thẩm Dương cho rằng thị trường liên ngân hàng là nơi để các ngân hàng hỗ trợ nhau về vốn, không phải là “mảnh đất màu mỡ” dành cho các ngân hàng lớn thu lợi nhuận. Việc ngân hàng lớn vay vốn của ngân hàng Nhà nước với lãi suất thấp rồi cho ngân hàng bạn vay lại với lãi suất cao ngất là không thể chấp nhận được.

ngân hàng Nhà nước cần rà soát nguyên nhân làm lãi suất tăng nóng để can thiệp thị trường một cách linh hoạt. Nếu nhiều ngân hàng khó khăn về vốn thì nên bơm thêm tiền với mức độ thích hợp. Trong trường hợp cần thiết, ngân hàng Nhà nước có thể siết chặt thị trường liên ngân hàng...

Theo Thy Thơ
Báo Người lao động