1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Lãi suất tiền gửi vào cuộc “đua” tăng mới

(Dân trí) - Lãi suất tiền gửi VND được các NHTM liên tiếp tăng mạnh nhằm chuẩn bị nguồn vốn dồi dào, đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng. Hiện số dư tiền gửi của các tổ chức tín dụng tại NHNN đảm bảo yêu cầu dự trữ bắt buộc và khả năng thanh toán.

Lãi suất tiền gửi vào cuộc “đua” tăng mới - 1
Các NHTM muốn huy động VND để thực hiện
hỗ trợ lãi suất (ảnh: Việt Hưng).
 
Lãi suất huy động VND tăng 0,3%

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa thông báo tăng lãi suất tiết kiệm bậc thang VND đối với khách hàng cá nhân trên toàn hệ thống.

Biểu lãi suất mới được ban hành có sự điều chỉnh tăng ở hầu hết các kỳ hạn gửi với mức tăng thấp nhất là 0,3%/năm cho các kỳ hạn 1 - 3 tháng và cao nhất tới 0,5%/năm.

Theo đó, với số tiền gửi trên 3 tỷ đồng, thời hạn gửi là 36 tháng, khách hàng gửi tiền sẽ được hưởng mức lãi suất tiết kiệm cao nhất của ngân hàng này là 8,58%/năm.

Ngoài mức 2,5%/năm dành cho không kỳ hạn, các mức lãi suất còn lại là từ 7,5%/năm đến 8,55%/năm đối với từng kỳ hạn và từng món tiền gửi.

Trước đó, cũng để chuẩn bị nguồn vốn dồi dào nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp thông qua chương trình hỗ trợ lãi suất và cho vay tiêu dùng, một số ngân hàng khác đã tăng lãi suất huy động VND.

Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tăng lãi suất huy động ở mức cao nhất 8,7%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng. Ngân hàng Việt Á tăng lãi suất VND thêm từ 0,2 - 0,5%/năm; với kỳ hạn 1 tuần là 5%/năm, 2 tuần 5,5%/năm, 3 tuần 6%/năm, 1 tháng 7,2%/năm. Ngân hàng Habubank với lãi suất cao nhất đạt 8,4%/năm.

Ngoài ra, một số ngân hàng thương mại cũng đã nhập cuộc đua tăng lãi suất huy động. Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiết kiệm đối với VND, USD và vàng.

Với lãi suất tiền gửi VND, mức tăng dao động từ 0,10% - 0,80%/năm (lãnh lãi cuối kỳ); lãi suất tiền gửi USD, mức tăng dao động từ 0,10% - 0,60%/năm; lãi suất tiền gửi vàng, mức tăng dao động từ 0,10% - 0,50%/năm...

Ngân hàng Nhà nước cho biết: Lãi suất huy động VND có kỳ hạn của các ngân hàng thương mại đối với khách hàng trong tuần tăng nhẹ với mức tăng từ 0,2 - 0,3%/năm, lãi suất huy động USD giảm nhẹ từ 0,1 - 0,2%/năm so với tuần trước và hiện ở các mức sau:

Lãi suất
huy động
bình quân

Loại tiền

Không
kỳ hạn (%/năm)

3 tháng
(%/năm)

6 tháng
(%/năm)

12 tháng (%/năm)

Nhóm
NHTMNN

VND

2,76

6,91

7,25

7,58

USD

0,66

2,00

2,34

3,09

Nhóm
NHTMCP

VND

2,91

7,45

7,59

7,8

USD

1,00

2,10

2,29

2,62

Tăng trưởng tín dụng mạnh

Theo các NHTM, nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân ngày một tăng cao, họ đã điều chỉnh bảng lãi suất tiết kiệm VND. Và cầu vốn lớn nhất hiện đang tập trung vào gói kích cầu của Chính phủ, thông qua hỗ trợ lãi suất cho khối doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Lê , Tổng Giám đốc SHB cho biết: “Việc điều chỉnh lãi suất lần này để phù hợp với diễn biến thị trường nhằm chuẩn bị nguồn vốn dồi dào, đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng với chủ trương phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn và thực hiện có hiệu quả nhất gói kích cầu của Chính phủ”.

Báo cáo nhanh của các NHTM, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đến ngày 20/3 là 151.903 tỷ đồng. So với dư nợ tính đến ngày 13/3, chỉ sau 1 tuần thực hiện, dư nợ cho vay của chương trình này đã tăng 7.591 tỷ đồng (tương đương tăng gần 5,26%).

Trong đó dư nợ cho vay của nhóm NHTM nhà nước và Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương là 115.659 tỷ đồng, tăng 1.122 tỷ đồng (tăng gần 0,98%); nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 31.731 tỷ đồng, tăng 4.894 tỷ đồng (tăng gần 18,2%); nhóm ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 4.513 tỷ đồng, tăng 1.575 tỷ đồng (tăng gần 53,59%).

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Võ Hồng Phúc, gói kích cầu 1 tỷ USD của Chính phủ được thực hiện chưa lâu và mới cho vay được trên 150.000 tỷ đồng, trong tổng số dự kiến là 600.000 tỷ đồng nên việc đánh giá tác động, hiệu quả cần phải có kiểm nghiệm thêm mới có báo cáo đầy đủ.

Nguyễn Hiền