1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Lạc quan hơn với môi trường kinh doanh Việt Nam

(Dân trí) - Sau một năm khó khăn, điều kiện kinh doanh của Việt Nam đang dần trở nên tích cực hơn trong con mắt của cộng đồng kinh doanh trong và ngoài nước. Đây là nhận định từ điều tra cảm nhận môi trường kinh doanh năm 2009 vừa công bố.

Lạc quan hơn với môi trường kinh doanh Việt Nam  - 1
Sau khủng hoảng, môi trường kinh doanh Việt Nam đang được cải thiện.
 
Đây là cuộc điều tra được tiến hành định kỳ hàng năm do Ban thư ký Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tiến hành nằm trong chương trình Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ. Có 291 DN tham gia điều tra năm 2009 được đề nghị đánh giá theo mức thang 4 điểm (trong đó 4 là Rất tốt, 3 là Tốt, 2 là Tạm được và 1 là Kém).

Kết quả cho thấy, mức điểm bình quân mà các DN đánh giá về môi trường kinh doanh của Việt Nam năm nay là 2,21/4 điểm, tăng so với mức 1,9/4 điểm của năm 2008. Điều này cho thấy sau một năm khó khăn, điều kiện kinh doanh của Việt Nam đang dần trở nên tích cực hơn trong con mắt của cộng đồng kinh doanh trong và ngoài nước.

Các DN sản xuất đánh giá tích cực hơn về môi trường kinh doanh so với các DN ngành dịch vụ. Nhóm DN đánh giá tiêu cực nhất thuộc nhóm DN dịch vụ của các nhà đầu tư nước ngoài, ở dưới mức Tạm được. Theo nhận định của nhóm nghiên cứu, có lẽ đây là nhóm ngành bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng toàn cầu nặng nề nhất.

Ngược lại, nhóm DN lạc quan nhất là các DN sản xuất của các nhà đầu tư trong nước, mức đánh giá là 2,35 điểm. Có thể thấy, dường như gói kích cầu của Chính phủ thời gian qua có tác động mạnh mẽ và tích cực nhất đến các DN trong nước trong lĩnh vực này.

5 lĩnh vực mà các DN qua điều tra năm nay đánh giá thấp nhất đó là: Cơ sở hạ tầng; Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng giả, hàng nhái; Giải quyết tranh chấp và việc thực thi phán quyết của toà án, trọng tài kinh tế tại Việt Nam; Khả năng tiếp cận ngoại tệ và Hiệu quả của dịch vụ hành chính.

Trong đó, cơ sở hạ tầng yếu kém tiếp tục được coi là trở ngại lớn nhất đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, là cản trở cho quá trình thu hút đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Đối với các DN nước ngoài, vấn đề giải quyết tranh chấp và thực thi phán quyết của toà, trọng tài kinh tế tại Việt Nam là vấn đề kém nhất, đáng báo động đối với môi trường kinh doanh của Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn với nền kinh tế thế giới...

Các DN cũng chỉ ra rằng, để cải thiện môi trường kinh doanh tốt hơn thì Chính phủ cần phải triển khai 5 giải pháp hàng đầu theo thứ tự ưu tiên là: Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; Cải thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng; Ngăn chặn và kiểm soát tham nhũng; Cải cách các văn bản theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế; Cải cách hệ thống giáo dục để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực.

Lan Hương