1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Ký quỹ 5 tỷ đồng khi hoạt động tạm nhập, tái xuất

(Dân trí) - Theo chỉ đạo của Thủ tướng, thương nhân phải ký quỹ đặt cọc tối thiểu 5 tỷ đồng để xử lý môi trường và tiêu hủy hàng tồn đọng không tái xuất được, hàng tạm nhập không đúng với khai báo thuộc diện bị xử lý tiêu hủy.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 23 về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan.

Theo đó, thương nhân phải hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa hoặc tạm nhập tái xuất hàng hóa tối thiểu là 2 năm kể từ ngày thành lập mới được kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu mặt hàng có thuế tiêu thụ đặc biệt như rượu, bia, thuộc lá điếu, xì gà.

Tạm nhập, tái xuất: Siết rượu bia, thuốc lá, cấm phủ tạng gia cầm, gia súc

Từ 30/9, tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan các mặt hàng tiêu dùng đã qua sử dụng.

Ngoài ra, thương nhân phải thông báo kế hoạch giao hàng, nhận hàng và các chi tiết liên quan đến lô hàng tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu cho cơ quan cấp phép, hải quan và cảng vụ tối thiểu là 7 ngày trước khi hàng về đến cảng Việt Nam.
 
Đồng thời, chỉ thị nêu rõ để hoạt động tạm nhập, tái xuất, thương nhân phải ký quỹ đặt cọc tối thiểu 5 tỷ đồng để xử lý môi trường và tiêu hủy hàng tồn đọng không tái xuất được, hàng tạm nhập không đúng với khai báo thuộc diện bị xử lý tiêu hủy.

Cũng theo Chỉ thị này, thời gian hàng hóa tạm nhập được lưu tại Việt Nam không quá 45 ngày và chỉ được gia hạn 1 lần tối đa 15 ngày. Hết thời hạn này thương nhân buộc phải tái xuất ra khỏi Việt Nam trong vòng 15 ngày qua cửa khẩu tạm nhập, không cho phép qua các cửa khẩu khác cửa khẩu tạm nhập. Trường hợp không tái xuất được thì tịch thu và xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu trong tháng 9/2012, Bộ Công Thương phải quy định và ban hành Danh mục hàng hóa tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan như các mặt hàng tiêu dùng đã qua sử dụng và thực phẩm đông lạnh là phủ tạng, phụ phẩm gia súc và phủ tạng, phụ phẩm gia cầm. Việc này phải có hiệu lực kể từ ngày 30/9/2012.

Đồng thời, trong tháng, Bộ Công Thương cũng phải ban hành Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu đối với các loại chất thải nguy hại như ắc quy chì, vỉ mạch điện tử; nhựa phế liệu, phế thải; thiết bị làm lạnh sử dụng CFC; hóa chất là tiền chất thuộc diện cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu theo các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việc cấm kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu các mặt hàng trên có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành Chỉ thị này.
 
Bích Diệp