1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Kiểm toán đã thu về cho Ngân sách gần 8.700 tỷ đồng

(Dân trí) - Trong 104 cuộc kiểm toán thực hiện năm 2006, hầu hết các đơn vị đều có sai sót và sai phạm. Để phối hợp trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, từ nay các báo cáo kiểm toán sẽ được gửi đến Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng.

Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái đã cho biết như vậy tại cuộc họp báo Công bố kết quả kiểm toán năm 2006 về niên độ ngân sách năm 2005, ngày 5/9.

Kết quả mà Kiểm toán Nhà nước thực hiện tại các Tổng công ty Nhà nước và các tổ chức tài chính, ngân hàng thời gian qua như thế nào, thưa ông?

Qua kiểm toán 277/523 doanh nghiệp của 21 Tổng công ty và tổ chức tài chính, ngân hàng, có 212 đơn vị thành viên kinh doanh có lãi (76,5% số doanh nghiệp được kiểm toán) và có 64 đơn vị thành viên kinh doanh lỗ (23,1% số doanh nghiệp được kiểm toán).

Tuy nhiên, báo cáo tài chính của hầu hết các doanh nghiệp được kiểm toán phản ánh chưa đúng tình hình tài chính. Qua kiểm toán xác định chỉ tiêu thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước của các Tổng công ty và tổ chức tài chính, ngân hàng tăng thêm trên 1.143,2 tỉ đồng.

Còn với các địa phương?

Qua kiểm toán ở 32 tỉnh thành trực thuộc Trung ương, có 14 tỉnh dự toán thu nội địa (không kể thu từ đất) Trung ương giao cao hơn mức thực hiện 2004 và còn tới 18 tỉnh dự toán thu nội địa thấp hơn thực hiện năm 2004.

Trong khi đó, 29/32 tỉnh được kiểm toán lại dự toán chi ngân sách vượt so với mức được giao. Cụ thể: Bà Rịa - Vũng Tàu, Hậu Giang, Bình Phước, Bình Dương có bội chi 20%; Phú Yên bội chi tới 51%...

Trong lĩnh vực chi đầu tư phát triển, ở các bộ, ngành, địa phương được kiểm toán, vẫn còn những bất cập, sai sót về quy hoạch, lập và thẩm định dự án, gây lãng phí ngân sách nhà nước hàng trăm tỉ đồng.

Được biết, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển hồ sơ của 2 vụ vi phạm sang cơ quan điều tra để làm rõ các hành vi tham nhũng và lãng phí. Cụ thể thế nào, thưa ông?

Một vụ xảy ra tại dự án của Công ty Tư vấn xây dựng đường thủy 1 (Tổng công ty Xây dựng đường thủy) quyết toán vật tư khống 1,5 tỉ đồng và một số quyết toán vật tư chưa phù hợp chế độ hiện hành. Công trình này lỗ hơn 11 tỉ đồng, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can về các hành vi liên quan tới tham nhũng.

Vụ thứ hai xảy ra tại dự án sản xuất nhũ tương nhựa đường thuộc Khu quản lý đường bộ 7 (Cần Thơ). Kinh phí đầu tư dự án là 2,7 triệu USD, song sau 2 năm xây dựng, nhà máy này vẫn chưa đưa vào khai thác được. Đến khi kiểm toán, giá trị còn lại chỉ là hơn 10 tỉ đồng.

Thưa ông, phát hiện sai phạm thông qua kiểm toán đã giúp cho công tác phòng chống tham nhũng như thế nào?

Cung cấp báo cáo kiểm toán cho Ban chỉ đạo Trung ương Phòng, chống tham nhũng và đồng thời với Bộ Tài chính là việc mà chúng tôi đương nhiên phải làm. Từ nay, các báo cáo kiểm toán sẽ được gửi sớm đến Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng nhằm phối hợp trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Trong năm 2007 này, chúng tôi kiểm toán 115 cuộc kiểm toán. Đến tháng 8/2007, chúng tôi đã tiến hành 61 cuộc kiểm toán và phát hành 12 báo cáo kiểm toán. Chúng tôi đang hoàn tất kiểm toán tại các đơn vị, kết luận và xét duyệt theo quy trình phát hành kiếm toán; còn phát hiện sai phạm, đưa ra cơ quan điều tra trong 12 cuộc này chưa có.

Kiểm toán Nhà nước đã thu về cho ngân sách Nhà nước (NSNN) được bao nhiêu, thưa ông?

Tổng hợp toàn bộ kết quả kiểm toán niên độ ngân sách 2005, Kiểm toán Nhà nước phát hiện, kiện nghị xử lý về tài chính, thu về cho ngân sách Nhà nước lên đến 8.698 tỉ đồng.

Xin cám ơn ông!

An Hạ (ghi)