1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Kịch bản giá điện: “Chưa có phương án nào thực sự hợp lý"

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, 3 phương án mà EVN đưa ra chưa có phương án nào thực sự hợp lý cả. 3 phương án về cơ bản xây dựng thiếu khách quan, lợi cho “nhà đèn" hơn là cho người tiêu dùng.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố dự thảo xây dựng Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan, các chuyên gia và cộng đồng. Dự kiến đề án sẽ hoàn thiện gửi lãnh đạo Bộ Công Thương trong tháng 10 để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Theo đó, 3 phương án bao gồm: giữ nguyên biểu giá điện 6 bậc thang như hiện hành; tính đồng giá ở mức 1.747 đồng/kWh; rút gọn biểu giá điện sinh hoạt từ 6 bậc thang về 3 hoặc 4 bậc thang.

Nghiêng về phương án đồng giá 1.747 đồng/kWh

Sau khi công bố, dự thảo đề án nhận được sự quan tâm của người dân cũng như giới chuyên gia. Khảo sát ý kiến bạn đọc Dân trí cho thấy, đa số ý kiến (chiếm 67,58%) nghiêng về phương án 2, tính đồng giá 1.747 đồng/kWh, là mức giá bán điện bình quân của biểu giá điện sinh hoạt bậc thang hiện hành.

Bạn đọc Hùng Đặng Đình bình luận: "Theo các phương án giá của EVN đưa ra thì có làm theo phương án giá nào đi nữa thì số tiền thu được vẫn không đổi. Đề nghị dùng phương án 1 giá để bảo đảm mọi người đều bình đẳng khi sử dụng điện. Hỗ trợ người nghèo nên dùng phương thức khác”.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc sử dụng phương án đồng giá sẽ minh bạch, tránh được tiêu cực trong việc ghi chỉ số điện và không gây thiệt hại cho người dùng bởi chỉ cần nhìn số điện là tính được ra giá tiền.

Theo phương án này, các ý kiến cho rằng, nên tách riêng việc thực hiện chính sách an sinh xã hội và kinh doanh theo thị trường bằng các chính sách hỗ trợ với nhóm hộ nghèo, những hộ còn lại tính đồng một mức giá điện.

Ngoài ra, cũng có ý kiến đồng ý với phương pháp bậc thang luỹ kế như hiện tại nhưng các bậc cần giãn ra phù hợp hơn với thực tế. Bên cạnh đó, cần phân biệt giờ cao điểm và thấp điểm để tính tiền điện, tránh cào bằng như hiện nay.

Đồng giá: 80% người dùng sẽ "chịu thiệt"

Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, đối với phương án đồng giá, các hộ sử dụng dưới 240 kWh/tháng sẽ bị tác động tăng tiền điện phải trả hàng tháng, trong đó mức tác động thay đổi theo mức độ sử dụng điện của các hộ, hộ bị tác động cao nhất là hộ sử dụng 100 kWh/tháng. Các hộ sử dụng trên 240 kWh/tháng là các hộ được hưởng lợi càng sử dụng nhiều điện càng được lợi do các mức giá tại biểu giá điện hiện hành từ 200 kWh trở lên có mức giá cao hơn mức đồng giá.

Theo thống kê của EVN, tỷ trọng các hộ sử dụng đến 100 kWh/tháng bình quân năm 2013 và 2014 vào khoảng 47,59%. Đây là các hộ nghèo, sử dụng tiết kiệm điện, khả năng chi trả thấp. Việc điều chỉnh giá điện đối với nhóm hộ này cần được xem xét. Trong khi đó, số hộ sử dụng đến 200 kWh/tháng bình quân 2 năm trước cũng lên tới 80,71%, bao gồm cả hộ nghèo và thêm số hộ sử dụng điện ở mức trung bình với khả năng chi trả không mấy khó khăn.

“Chưa có phương án nào thực sự hợp lý"

Trao đổi về các phương án tại đề án, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Chưa có phương án nào thực sự hợp lý cả bởi đây chỉ là những phương án để ngành điện không bị thiệt thu chứ chưa tính tới lợi ích toàn xã hội. Cần có 1 giải pháp trung hoà hơn và khá "cách mạng" lấy những yếu tố hợp lý của các phương án đưa ra. Theo tôi, dưới 100 kWh thì dành cho ng nghèo và đối tượng xã hội nên áp một mức giá ưu đãi, còn lại tính đồng giá. Riêng lĩnh vực tốn điện như xi măng, sắt thép thì cho một mức giá cao đặc biệt”.

Đồng quan điểm, TS Ngô Trí Long thì cho rằng, 3 phương án về cơ bản xây dựng thiếu khách quan, lợi cho “nhà đèn" hơn là cho người tiêu dùng. Do đó, không nên để bản thân một đơn vị kinh doanh trong ngành xây dựng đề án mà cần có cơ quan tư vấn độc lập đứng ra làm.

Vị chuyên gia này cũng lưu ý rằng: “Khi xây dựng đề án, mức giá bình quân đưa ra là 1.747 đồng/kWh, vô hình chung giá điện điều chỉnh tăng 7,7%, giá hiện nay chỉ 1.622 đồng thôi”.

Phân tích cụ thể, TS Long cho rằng, về phương án có thể sử dụng 6 bậc như hiện nay là hợp lý nhưng hệ số từng bậc phải thấp hơn. Ví dụ bậc 101-200 tăng 9% so với bình quân, 201-301 tăng 38% so với bình quân, 301-400 tăng 54%, trên 400 tăng gần 60% như hiện tại là quá cao. Do đó, khi xây dựng phương án mới, phải làm sao để tiêu dùng trong bậc phổ biến 100-300 kWh số hệ số rút bớt xuống chỉ tăng khoảng dưới 20% so với gía bình quân.

“Điện phải dùng luỹ kế bởi đây là loại năng lượng không tái tạo đc, không nên lãng phí. Điện hiện cung không đủ cầu, không khuyến khích nên dùng luỹ kế để càng dùng càng tốn. Do đó, đồng nhất không được. Thêm nữa, xã hội có nhiều người nghèo, nếu để đồng giá vô hình chung người nghèo phải trả cho người giàu”.

Phương Dung

 

Kịch bản giá điện: “Chưa có phương án nào thực sự hợp lý" - 1