1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Khối u nợ xấu lớn dần từ tâm lý "không thể phá sản"

(Dân trí) - Chính sách không để NH nào phá sản đã dẫn đến tính ỷ lại của các NH, lấy vốn ngắn hạn cho vay dài hạn một cách lỏng lẻo khiến nợ xấu tăng nhanh. Và để tồn tại, các NH lại chạy đua lãi suất, áp đặt chi phí lên xã hội.

Phát biểu tại Hội thảo khoa học Nhìn lại chính sách tài chính, tiền tệ năm 2011-2012, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhận định, bối cảnh thị trường tài chính hiện nay vẫn còn nhiều bất ổn: lạm phát có nguy cơ tăng trở lại, lãi suất có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, nợ xấu đang gây tổn hại lớn cho hệ thống ngân hàng, tăng trưởng tín dụng suy giảm nghiêm trọng...

Khối u nợ xấu lớn dần từ tâm lý không thể phá sản

Trong khi đó, khái quát chung về bức tranh hệ thống ngân hàng trong thời gian qua, TS.Quách Mạnh Hào thuộc trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội cho rằng, đặc điểm dễ thấy là các ngân hàng huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn, nhưng lại thực hiện một cách lỏng lẻo.

Điều này, theo TS Hào, đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng sinh lời lành mạnh của hệ thống, đồng thời gây áp lực lên khả năng thanh khoản. Do vậy, các ngân hàng buộc phải chạy đua lãi suất để tồn tại và áp đặt chi phí lãi vay lên xã hội.

Ở phương diện này, ông đánh giá, Nhà nước vô tình đã tiếp tay cho quá trình trên bằng tuyên bố không cho ngân hàng nào phá sản. Khi lãi suất và nợ xấu tăng đến một mức độ báo động, tình trạng suy giảm tín dụng xảy ra càng làm cho nợ xấu thêm trầm trọng.

Quan điểm này của TS Quách Mạnh Hào từng được TS Vũ Thành Tự Anh của chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright ĐH Harvard nêu ra trước đây: Nếu không để ngân hàng đổ vỡ thì về mặt vĩ mô tưởng chừng là tốt, nhưng trên thực tế sẽ tạo tâm lý ỷ lại rất lớn từ phía ngân hàng. Do vậy, nếu cần, phải để cho ngân hàng đổ vỡ, phải tước quyền sở hữu của các chủ ngân hàng

Tại Bản tin kinh tế vĩ mô số 7, Ủy ban Kinh tế cũng đã nêu rõ quan điểm này, cho rằng đó là một sự hủy diệt tích cực (constructive destruction). Cơ quan này khuyến nghị, "quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cần phải quán triệt quan điểm chủ đạo là người gửi tiền được bảo vệ song các TCTD cũng có thể phá sản để ngăn ngừa rủi ro đạo đức đang có xu hướng lan rộng".

Còn Chủ tịch UB Giám sát Tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn, từ cuối năm 2011, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn trong một buổi trao đổi với báo chí đã bày tỏ, cần phải dần từng bước từ bỏ ý niệm "ngân hàng không thể phá sản".

Dù thời điểm hiện tại, người dân vẫn chưa sẵn sàng cho tình huống ngân hàng phá sản. Song, nếu trong tương lai, chúng ta không từ bỏ ý niệm "ngân hàng không bao giờ phá sản" thì không bao giờ có nền kinh tế thị trường.

Nợ xấu đang ở mức độ nguy hiểm

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế tinh đến ngày 30/9 là 2,88 triệu tỷ đồng, trong đó nợ xấu toàn ngành ngân hàng năm 2012 được xác định là khoảng 10%, tương đương với 290.000 tỷ đồng.

Tính từ năm 2008, nợ xấu liên tục tăng và đến năm 2012 đã tăng tới 66%. Theo số liệu của các tổ chức tín dụng, tính đến ngày 30/9, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 4,93%, nhưng theo NHNN tỷ lệ này là 8,82%.

TS Cấn Văn Lực (Ảnh: Đức Trung).
TS Cấn Văn Lực (Ảnh: Đức Trung).

TS.Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT và Giám đốc Trường đào tạo cán bộ BIDV, dựa theo số liệu công bố của NHNN tính toán, sau khi đã giải quyết 12.000 tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu cần giải quyết còn 278.000 tỷ. Tổng nợ xấu cần xử lý sau khi đã sử dụng hết quỹ dự phòng rủi ro và sau khi thanh lý hết tài sản đảm bảo là bất động sản là hơn 89.000 tỷ, chưa kể nợ tồn đọng xây dựng cơ bản ước khoảng 93.000 tỷ.

Mới đây, tại cuộc họp báo ngày 27/12, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cập nhật thêm, tính đến nay, các tổ chức tín dụng đã trích lập 78.600 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng để sẵn sàng giải quyết nợ xấu. Riêng trong 11 tháng đầu năm, đã giải quyết được hơn 39.000 tỷ đồng nợ xấu.

Sang 2013, NHNN coi xử lý nợ xấu là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng và đặt mục tiêu, bằng các biện pháp trực tiếp, có thể giải quyết được 4-5% nợ xấu (trong tổng số khoảng 8%) của hệ thống ngân hàng, tương đương với khoảng 40.000-50.000 tỷ đồng nợ xấu.

TS.Cấn Văn Lực cũng đưa ra một số giải pháp tổng thể nhằm xử lý nợ xấu như giải quyết tồn kho hàng hóa, tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản.

Có 6 phương thức xử lý nợ xấu cần triển khai triệt để đó là cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi và phí tín dụng, mua bán nợ bằng cách thành lập công ty mua bán nợ quốc gia hoặc chứng khoán hóa nợ xấu, sử dụng quỹ dự phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại, xử lý phát mại tài sản đảm bảo và chuyển nợ thành vốn góp.

Cùng với đó, đẩy nhanh và dứt điểm tái cơ cấu tài chính tín dụng - doanh nghiệp nhà nước - đầu tư công, trong đó có xử lý nợ tồn đọng xây dựng cơ bản; tăng cường cơ chế, công cụ “phòng ngừa rủi ro” trong tương lai.
Hình thức thành lập công ty mua bán nợ quốc gia tuy vấp phải nhiều tranh cãi nhưng vẫn được coi là một phương án hữu hiệu đối với giải quyết nợ xấu.

Về giải pháp sát nhập các ngân hàng, nhiều khuyến nghị cho rằng, cần sát nhập các ngân hàng có cùng lĩnh vực hoạt động thay vì sát nhập ngân hàng tốt với ngân hàng yếu. Trong khi đó, nhiều chuyên gia góp ý, cần nhận thức được việc chấp nhận phá sản một số ngân hàng yếu kém trước khi thực hiện các giải pháp khác.

Bích Diệp