1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Khó tiếp cận nguồn vốn vay qua VDB

(Dân trí) - Để hỗ trợ cho các DNNVV không có tài sản thế chấp, Chính phủ đã cho phép VDB bảo lãnh cho các DN vay vốn. Tuy nhiên trên thực tế, các điều kiện để được VDB bảo lãnh rất ngặt nghèo, khó khăn khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn.

Khó tiếp cận nguồn vốn vay qua VDB - 1
Tiếp cận nguồn vốn vay không hề đơn giản (ảnh: Việt Hưng).
 
Trong bối cảnh khủng khoảng kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam suy giảm, các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang gặp nhiều khó khăn, sản xuất kinh doanh đình trệ, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động.
 
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Hết tháng 1/2009, cả nước đã có 85.000 lao động mất việc làm; trong đó TPHCM 19.000 người, Hà Nội 10.000 người.
 
Dự báo đến cuối năm tổng số lao động mất việc sẽ lên tới 300.000 - 400.000 người. Số này tập trung ở nhóm các DNNVV trong các lĩnh vực may mặc, điện tử, chế biến gỗ... những đơn vị sử dụng nhiều lao động nhưng lại không chủ động, không có những đơn hàng ổn định.
 
Thống kê từ Hiệp hội DNNVV, trong tổng số 20% DNNVV đứng bên bờ vực phá sản đã có tới 7.000 DN công bố giải thế và hơn 3.000 DN khác phải ngừng sản xuất. Ngoài ra, tính trung bình chung cho cả khối DNNVV, mức suy giảm lên tới 30 - 50% so với trước đây.
 
Để ngăn chặn đà suy giảm, Chính phủ và Nhà Nước đã ban hành Quyết định 14 cho phép Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) bảo lãnh để các DNNVV có thể vay vốn ngân hàng, mở rộng sản xuất kinh doanh, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, chủ động ngăn ngừa suy giảm kinh tế.
 
Theo đó, đối tượng được VDB bảo lãnh vay vốn cũng được mở rộng, không chỉ có 350.000 DNNVV mà những DN có quy mô lớn hơn cũng có thể được bảo lãnh vay vốn.
 
Theo thống kê của VDB, tính đến nay đã có hơn 20 ngân hàng ký thỏa thuận hợp tác về cấp vốn và bảo lãnh vay vốn với ngân hàng này.
 
Theo các hợp đồng ký kết, mặc dù các DNNVV được VDB bảo lãnh sẽ mất 0,5% phí bảo lãnh trên tổng số vốn vay nhưng lãi suất vay vốn vẫn thấp hơn lãi suất trên thị trường, thậm chí ngân hàng có thể được hỗ trợ 4% lãi suất vay vốn.
 
Câu chuyện ngược trong vay vốn
 
Tuy nhiên, đến nay đã được hơn 1 tháng triển khai, nguồn vốn cho vay theo diện bảo lãnh này vẫn chưa nhiều; thậm chí có ngân hàng chưa cho vay được một đồng vốn nào, chỉ vì chưa có DN nào được VDB bảo lãnh vay vốn.
 
Ông Đoàn Văn Thắng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Liên Việt cho biết: “Chúng tôi là ngân hàng thứ 3 trong hệ thống ngân hàng ở Việt Nam ký kết bảo lãnh vay vốn với ADB; nhưng cho đến thời điểm hiện nay, việc thực hiện chủ trương này của Chính phủ rất khó khăn. Hiện chúng tôi chưa giải ngân cho bất cứ một DN nào thông qua bảo lãnh của VDB”.
 
Giải thích lý do vì sao chưa có DN nào được Liên Việt giải ngân qua VDB, ông Thắng nói: Chương trình bảo lãnh của VDB cho các DN vay vốn từ NHTM là một chương trình dành cho các tín dụng dưới chuẩn, mà đã là tín dụng dưới chuẩn thì các điều kiện cần phải nới lỏng. Tuy nhiên, điều kiện để áp dụng cho các DN được VDB bảo lãnh là những điều kiện rất khó khăn.
 
“Thực ra, người ta đã vay đâu mà có tiền để thực hiện bảo lãnh cho VDB. Đây là một câu chuyện ngược. Với những điều kiện này, DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo lãnh vay vốn”, ông Thắng nhấn mạnh.
 
Và trên thực tế, tới thời điểm này nhiều DNNVV mới bắt đầu được biết thông tin, tìm cách lập hồ sơ để được VDB bảo lãnh.
 
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Kế toán Công ty cấp thoát nước Bắc Giang bày tỏ: Để chính sách đi vào cuộc sống, nhẽ ra các cuộc hội thảo về vấn đề này nên triển khai ngay từ cuối tháng 12/2008. “Thời gian này, chúng tôi mới bắt đầu tìm hiểu thủ tục, các điều kiện vay vốn và để tiếp cận được nguồn vốn do VDB bảo lãnh chắc phải sang đầu tháng 4”.
 
Ông Nguyễn Hữu Thắng, đại diện Công ty ô tô số 2 phản ánh: DN “không dám” vay vốn ưu đãi mà phải huy động từ chính người lao động, các đối tác do thủ tục vay ngân hàng phiền hà, thời gian nhận vốn kéo dài, ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh.
 
Theo đề xuất của đại diện Ngân hàng Liên Việt, VDB nên đề nghị với Chính phủ nới lỏng các điều kiện bảo lãnh. Điều kiện cần bỏ lúc này là “không cần yêu cầu các DN phải dùng chính tài sản hàng hoá hình thành từ vốn vay của NHTM để làm bảo đảm cho khoản bảo lãnh từ VDB”.
 
Nguyễn Hiền