1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Khó kìm giá hàng nhập khẩu

(Dân trí) - Chịu tác động giá USD tăng mạnh trong tháng 6, giá nhiều mặt hàng nhập khẩu liên tục “leo thang” trong thời gian gần đây. Trao đổi giải pháp bình ổn giá, nhiều nhà bán lẻ cho biết, kìm giá đã là khó chứ đừng nói tới chuyện giảm giá bán sản phẩm.

Tăng giá 10% - 20%

Bà Nguyễn Anh Hoa, Phó Giám đốc siêu thị Citimart, cho biết bước sang tháng 7, tất cả các mặt hàng nhập khẩu tại siêu thị đều tăng giá. Tăng mạnh nhất là các sản phẩm giấy, băng tã, thực phẩm tăng giá thêm khoảng 20%. Nguyên nhân là do nhà cung cấp ở nước ngoài điều chỉnh giá các hợp đồng cung cấp sản phẩm và do giá USD tăng mạnh.

Do còn trù trừ trước những đơn nhập khẩu mới nên nhiều mặt hàng bị “kẹt” chưa thể về kịp do chưa đạt được thỏa thuận ký kết hợp đồng. Tình trạng trên dẫn đến một số mặt hàng tại siêu thị bị khan hiếm nên giá được đà tăng thêm.

Tại siêu thị Maximart, Giám đốc Nguyễn Ánh Hồng cho biết, nhiều loại hàng nhập khẩu bán tại siêu thị đang tăng giá khủng khiếp, trung bình 20%. Cá biệt có những nhóm mặt hàng tăng tới 30 - 40%. Thực phẩm là nhóm mặt hàng tăng giá “thoải mái” nhất. 

Theo ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty Phú An Sinh, 3 tháng qua, nhà cung cấp thịt gà nhập khẩu liên tục tăng giá. Hầu hết các sản phẩm thịt gà nhập đều tăng giá ở mức 20%. Chẳng hạn như giá thịt đùi góc tư “tăng dần đều” từ mức 1,2 USD/kg lên 1,3 rồi tiếp tục tăng lên 1,4 USD, đến nay đã là 1,5 USD/kg. Do vậy, Công ty Phú An Sinh đã điều chỉnh giá bán sỉ sản phẩm đùi góc tư từ 24.000 đồng lên 28.000 đồng/kg.

Giá cả tăng cao khiến sức tiêu thụ trong dân cũng giảm mạnh. Lượng bán ra của công ty sụt giảm khoảng 10% so với tháng trước.

Giảm giá là… không thể?

Bàn về giải pháp bình ổn giá các mặt hàng nhập khẩu, nhiều đơn vị cho biết, giá các sản phẩm tăng là do các nhà cung cấp điều chỉnh giá bán. Các nhà bán lẻ đã tăng cường nhiều giải pháp hỗ trợ người tiêu dùng nhưng xem ra không ăn thua gì.

Theo ông Minh, công ty khó giảm giá thành thịt gà nhập khẩu vì còn phụ thuộc rất nhiều vào nhà cung ứng ở nước ngoài. Nguyên nhân nhà cung cấp nước ngoài điều chỉnh giá là do sản lượng gà nuôi tại Mỹ và Achentina sụt giảm mạnh. Trong khi đó chi phí chăn nuôi tăng lên đáng kể do thức ăn chăn nuôi ngày càng đắt đỏ.

Trong khi đó, sản lượng gà nuôi trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nên nguồn gà nhập vẫn chiếm một thị phần quan trọng. Công ty cố gắng mở rộng phát triển chăn nuôi trong nước để hạn chế nguồn nhập khẩu từ nước ngoài.

Bà Ánh Hồng cho biết thêm: “Chúng tôi đã làm mọi cách để hãm đà tăng như yêu cầu nhà cung cấp sau 30 ngày thông báo mới thực hiện tăng giá mới. Thực tế thì ngay cả nhà xuất khẩu của nước ngoài cũng chịu sức ép giá cả tăng cao.

Trong tình hình hiện nay, chúng tôi cố gắng không tạo tâm lý “sốc” giá cho khách hàng bằng cách kéo dài thời gian thay đổi giá niêm yết trên các mặt hàng”.

Tuy nhiên, biện giải pháp hỗ trợ khách hàng như thế vô tình tạo cơ hội cho nhiều con buôn đầu cơ tại siêu thị. Nhiều con buôn đã lợi dụng lúc siêu thị thay đổi giá bán chậm hơn tại các cửa hàng hay ngoài chợ đã gom hàng trục lợi.

Rất nhiều con buôn chực chờ tại siêu thị trong thời điểm nhạy cảm tăng giá để “hốt hàng” hưởng giá chênh lệch. Chính vì thế mà đối tượng người tiêu dùng mà chúng tôi hướng đến trong mục tiêu kiềm giá lại không được hưởng những quyền lợi.

“Hiện nay, siêu thị cố gắng mọi cách để bình ổn giá nhưng thực tế là kiềm giá đứng yên vô cùng khó khăn. Chúng tôi không thể nào tính toán được trong dài hạn. Vì thời điểm hiện nay rất khó dự báo diễn biến của thị trường” - bà Hồng than thở.

Nguyên Tuấn