1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Khi nào TPHCM đấu giá lại 2 lô đất bị bỏ cọc tại Thủ Thiêm?

Q.Huy

(Dân trí) - TPHCM đang xử lý các vấn đề liên quan đến buổi đấu giá đất trước đó đối với 2 lô đất bị bỏ cọc và 2 lô đất trúng thầu nhưng nhà đầu tư chưa nộp tiền tại Thủ Thiêm.

Sau khi có những diễn biến bất ngờ trong vụ đấu giá 4 lô đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, TPHCM đã tổ chức buổi tọa đàm về bài học rút ra từ công tác đấu giá đất và các khuyến nghị. Tại buổi tọa đàm này, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đều cho rằng, khi thực hiện đấu giá lại những lô đất bỏ cọc, cơ quan quản lý cần xem xét thay đổi về mặt phương thức, hình thức thực hiện và các vấn đề liên quan giá khởi điểm, năng lực nhà đầu tư...

Tuy nhiên, đến nay, thời điểm tổ chức việc đấu giá lại đối với những khu đất này vẫn chưa được ấn định. Chính quyền thành phố đang cần thời gian để xử lý các vấn đề phát sinh liên quan buổi đấu giá trước đó.

Khi nào TPHCM đấu giá lại 2 lô đất bị bỏ cọc tại Thủ Thiêm? - 1

Tính đến hiện tại, 2 doanh nghiệp đã bỏ cọc trong vụ đấu giá 4 lô đất tại Thủ Thiêm (Ảnh: Hải Long).

Việc đấu giá lại do ai quyết định?

Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TPHCM, cho biết, việc đấu giá lại phụ thuộc vào bên có tài sản, tức là phía UBND TPHCM. Để thực hiện một buổi đấu giá như trước đây, UBND TPHCM cần ủy quyền cho Sở TN&MT cùng Trung tâm phát triển nhà và quỹ đất.

Sau đó, Trung tâm phát triển nhà và quỹ đất sẽ ký hợp đồng với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thành phố về việc thực hiện đấu giá. Tuy nhiên, đến hiện tại, các bên liên quan chưa có quyết định về việc thực hiện đấu giá lại.

Khi nào TPHCM đấu giá lại 2 lô đất bị bỏ cọc tại Thủ Thiêm? - 2

Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TPHCM (Ảnh: T.N.).

Chia sẻ quan điểm về việc thành phố chưa tổ chức đấu giá lại các lô đất bị bỏ cọc, ông Nguyễn Hữu Hùng cho rằng, TPHCM đang xử lý các vấn đề liên quan đến buổi đấu giá đất trước đó. Cụ thể hơn, thành phố cần giải quyết các khúc mắc phát sinh đối với 2 lô đất bị bỏ cọc và 2 lô đất trúng thầu nhưng nhà đầu tư chưa nộp tiền.

Ông Đặng Quốc Toàn, Chánh Văn phòng UBND TPHCM, thông tin, hiện tại, UBND TPHCM đã giao Sở Tư pháp, Sở TN&MT tham mưu, đánh giá công tác đấu giá 4 lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Từ thực tiễn, thành phố sẽ đúc kết những điều đã làm được, những điều chưa làm được và rút kinh nghiệm cho công tác đấu giá thời gian tới.

Tại buổi họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm tháng 3 tổ chức chiều 4/3, ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục cùng các cơ quan, ban, ngành đôn đốc doanh nghiệp, gửi thư nhắc nhở việc trễ hẹn dưới 90 ngày. Trong trường hợp các doanh nghiệp trễ hẹn nộp tiền trên 90 ngày, các biện pháp cưỡng chế sẽ được thực hiện. 

"Các biện pháp cưỡng chế sẽ được áp dụng từng bước, từng cấp độ. Biện pháp cao nhất là đề nghị không thực hiện dự án, đề nghị thu hồi dự án", ông Lê Duy Minh phân tích.

Những vấn đề cần thay đổi nếu đấu giá lại

Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, đã ký văn bản báo cáo UBND TPHCM để báo cáo kết quả nội dung buổi tọa đàm "Bài học rút ra từ đấu giá đất Thủ Thiêm và khuyến nghị thể chế". Các nội dung tại buổi tọa đàm xoay quanh đến phương thức tổ chức, giá, năng lực nhà đầu tư và chế tài, xử phạt.

Cụ thể, liên quan đến phương thức tổ chức, các khách mời tại buổi tọa đàm cho rằng, ngoài việc đấu giá theo điều 41 Luật Đấu giá tài sản là đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá, thành phố cần xem xét các hình thức khác phù hợp hơn như bỏ phiếu trực tiếp hoặc gián tiếp theo điều 42, 43 của luật này.

Khi nào TPHCM đấu giá lại 2 lô đất bị bỏ cọc tại Thủ Thiêm? - 3

Các chuyên gia, nhà khoa học góp ý về phương thức tổ chức, giá, năng lực nhà đầu tư và chế tài, xử phạt nếu đấu giá lại các lô đất Thủ Thiêm (Ảnh: N.H.).

Về giá khởi điểm, giá trúng giá, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố cùng các chuyên gia góp ý, quy định giá trần trong đấu giá là không thật sự cần thiết. Nhà đầu tư tham gia đấu giá phải tự cân nhắc khả năng và lợi nhuận.

Thay vào đó, công tác đấu giá cần tìm hiểu, làm rõ các ngoại tác tiêu cực có thể của giá trúng cao đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. 

Ngoài ra, giá trúng đấu giá cao thực chất là giá kỳ vọng của nhà đầu tư, trong ngắn hạn, giá này có thể gây tác động nhất định nhưng thị trường sẽ tự động cân bằng về lâu dài. Do đó, buổi tọa đàm kiến nghị phân biệt 3 loại giá đất trong quy định pháp luật liên quan đến giá đất theo tham chiếu do Nhà nước quy định, giá thị trường và giá kỳ vọng của nhà đầu tư.

Đối với năng lực nhà đầu tư, hầu hết ý kiến cho rằng, người tham gia đấu giá cần có đủ điều kiện liên quan thực hiện dự án có sử dụng đất. Các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng mong muốn có chế tài xử phạt đủ sức răn đe trong trường hợp nhà đầu tư chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản.

Đầu tháng 2, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh có văn bản gửi đến các cơ quan liên quan về việc xin bỏ cọc lô đất 3-9 khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TPHCM). Trước đây, doanh nghiệp này đã vượt qua 140 lượt gọi giá với 13 doanh nghiệp khác để trúng đấu giá lô đất với số tiền 5.026 tỷ đồng - gấp 6,9 lần so với giá khởi điểm. 

Trước đó, đầu tháng 1 năm nay, Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã rút lui khỏi lô đất 3-12 - lô đất có giá trúng cao gấp 8,3 lần giá khởi điểm, trung bình mỗi m2 lên tới 2,45 tỷ đồng, gây chấn động dư luận.