1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Khai mạc Diễn đàn Tài chính vi mô châu Á 2008

(Dân trí) - Diễn đàn tài chính vi mô châu Á 2008 đã khai mạc tại Hà Nội ngày 27/8 với sự có mặt của 500 đại biểu từ 50 quốc gia. Đây là hội nghị về tài chính vi mô khu vực lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.

Với sự tham gia của các đại biểu đông đảo nhất từ trước tới nay, diễn đàn tổ chức trong 3 ngày (từ ngày 27 - 29/8) sẽ tập trung vào các thách thức và sáng kiến có ảnh hưởng lớn nhất đối với tài chính vi mô trong các thập niên tới, cũng như thảo luận về những hệ quả đối với ngành tài chính vi mô tại châu Á.

Theo đó, các diễn giả tham dự Diễn đàn tài chính vi mô châu Á 2008 sẽ trình bày các bài tham luận về: thách thức của việc tăng nguồn tài chính và đầu tư cho ngành, nhu cầu tích luỹ các khoản tiết kiệm và tài sản của người nghèo, vai trò của các mạng lưới tài chính vi mô, các công nghệ mới để đạt được sự hội nhập tài chính cao hơn, làm thế nào để tài chính vi mô có thể đóng góp cho sự phát triển bền vững về môi trường tại các nước đang phát triển.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu cho biết: Với đặc điểm dân số sống ở vùng nông thôn chiếm gần 70%, Việt Nam luôn xác định xoá đói giảm nghèo là mục tiêu dài hạn để góp phần tăng thu nhập, tạo công bằng xã hội và phát triển đất nước. Thế nên, hoạt động tài chính vi mô được coi là công cụ quan trọng để Việt Nam thực hiện mục tiêu này.

Theo bà Pamela Flaherty, Chủ tịch Quỹ Citi, diễn đàn sẽ gắn kết các nhà cung ứng dịch vụ, các nhà quản lý, các nhà tài chính, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của loại hình dịch vụ tài chính vi mô tại khu vực châu Á.

Tuy nhiên, đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lại cho thấy, dù đã có hàng nghìn tổ chức tài chính vi mô hoạt động tại châu Á nhưng vẫn còn khoảng 200 triệu hộ gia đình có thu nhập thập trong khu vực này không có khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính.

Tại Việt Nam, mạng lưới tài chính vi mô Việt Nam được thành lập vào tháng 7/2006, gồm 7 tổ chức thành viên thuộc huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La), huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), huyện Đông Triều và Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh), huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận).

Tính đến tháng 6 năm nay, các tổ chức này đã cho gần 25.000 người nghèo vay vốn với tổng dư nợ đạt gần 50 tỷ đồng. Với khoản tiền này, nhiều phụ nữ nghèo đã đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ, góp phần tạo ra của cải cho xã hội và củng cố kinh tế gia đình.

Nguyễn Hiền