1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Hơn 200 triệu USD phát triển GTVT Đồng bằng Bắc Bộ

(Dân trí) - Dự án phát triển giao thông vận tải (GTVT) khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (Dự án WB6) với quy mô xây dựng 3 hợp phần có tổng mức đầu tư hơn 200 triệu USD đã được ký kết sáng nay 7/3.

Theo đó, 14 tỉnh/thành thuộc khu vực Đồng bằng Bắc Bộ có dự án đi qua bao gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh và Bắc Giang. Nội dung và quy mô xây dựng dự án được chia làm 3 hợp phần.
 
Hơn 200 triệu USD phát triển GTVT Đồng bằng Bắc Bộ
Sông Hồng năm trong phạm vi phát triển của dự án

Hợp phần A - xây dựng các hành lang đường thủy quốc gia. Trong đó, tiểu hợp phần A1 bao gồm: Hành lang đường thủy số 1 (Quảng Ninh - Việt Trì, qua sông Đuống) được bắt đầu từ Quảng Ninh đi theo tuyến luồng văn biển qua kênh Hà Nam, qua các sông Bạch Đằng, Cấm, Hàn, Kinh Thầy, Thái Bình, Đuống và sông Hồng tới cảng Việt Trì sẽ được đầu tư chỉnh trị và cải tạo, nâng cấp luồng tàu cơ bản đạt tiêu chuẩn kỹ thuật luồng cấp II; hành lang đường thủy số 3 (Hà Nội - Lạng Giang) bắt đầu từ cửa Lạch Giang, qua sông Ninh Cơ và sông Hồng đến Hà Nội được đầu tư và cải tạo, nâng cấp luồng tàu cơ bản đạt tiêu chuẩn kỹ thuật luồng cấp I.

Tiểu hợp phần A2, được đầu tư xây dựng luồng qua cửa Lạch Giang cho tàu pha sông biển 2.000 DWT vào cảng Ninh Bình (tàu phau sông biển 3.000 DWT có thể lợi dụng thủy triều hoặc giảm tải để vào cảng - PV); các hạng mục công trình cứng mang tính vĩnh cửu như đê chắn sóng, âu tầu cho tàu pha sông biển 3.000 DWT. Tiểu hợp phần A3 sẽ đầu tư, cải tạo, nâng cấp mở rộng cảng đáp ứng lượng hàng thông qua cảng Việt Trì cần đáp ứng lượng hàng 1,1 triệu tấn; cảng Ninh Phúc là 1,6 triệu tấn.

Hợp phần B - Các bến khách ngang sông: Đầu tư nâng cấp thí điểm 1 số bến khách ngang sông thuộc địa bàn các tỉnh, thành phố trong phạm vi dự án (1-2 bến mỗi tỉnh).

Hợp phần C - Hỗ trợ thể chế cho Bộ GTVT, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và chính quyền các địa phương trong phạm vi dự án; các dịch vụ kiểm toán kỹ thuật - tài chính dự án; chuẩn bị các dự án mới.

Dự án có tổng mức đầu tư là 201,5 triệu USD, trong đó vốn vay của WB là 171,5 triệu USD (chiến 85,11%) và vốn đối ứng của Chính phủ là 30 triệu USD (chiếm 14,89%).

Được biết, dự án sẽ được hoàn thành vào tháng 6/2014. Dự án do Ban Quản lý các dự án Đường thủy nội địa phía Bắc, Bộ GTVT (PMU NIW) là đại diện chủ đầu tư; chủ đầu tư hợp phần A và C là Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam; UBND 14 tỉnh/thành khu vực Đồng bằng Bắc Bộ có dự án đi qua là chủ đầu tư hợp phần B.

Quỳnh Anh