1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Hoạt động của sàn giao dịch vàng: Ai điều chỉnh?

Sau thành công của Sàn giao dịch vàng Sài Gòn, hiện Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam đang xúc tiến thành lập 2 trung tâm giao dịch vàng. Tuy nhiên, hành lang pháp lý bảo đảm cho hoạt động này diễn ra một cách lành mạnh, hiệu quả vẫn còn bỏ ngỏ.

Sàn giao dịch vàng, đến thời “đua nở”

Cuối tháng 3/2008, Sàn giao dịch vàng Sài Gòn khu vực Hà Nội đã đi vào hoạt động, gần 1 năm sau khi Sàn giao dịch vàng tại TPHCM ra đời. Việc mở rộng phạm vi giao dịch và kết nạp thêm thành viên mới này sẽ làm tăng tính thanh khoản và hiệu quả của Sàn giao dịch vàng Sài Gòn, đồng thời bước đầu tạo sự liên thông giữa hai thị trường vàng TPHCM và Hà Nội.

Sàn giao dịch vàng Sài Gòn khu vực Hà Nội có sự tham gia của 6 doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, đá quý hàng đầu. Các thành viên mới trực tiếp tham gia giao dịch cùng với 10 thành viên hiện hữu tại Sàn giao dịch vàng Sài Gòn ở TPHCM thông qua hệ thống giao dịch khớp lệnh điện tử liên tục.

Theo ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, trong điều kiện giá vàng thường xuyên biến động, trung tâm giao dịch vàng sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư hạn chế rủi ro và hạn chế chênh lệch giá vàng bằng việc tận dụng từng phút biến động của thị trường, đồng thời dễ dàng hiện thực hóa lợi nhuận.

Việc các trung tâm giao dịch vàng ra đời còn tạo ra một kênh điều hòa cung cầu, giúp các doanh nghiệp kinh doanh vàng được chủ động nguồn vàng nguyên liệu hơn, giảm được một lượng ngoại tệ đáng kể đáng lẽ phải dùng để nhập khẩu vàng, mặt khác huy động được vốn vàng đang bị “đóng băng” trong dân.

Như vậy, giá thành sản phẩm sẽ được giảm xuống còn doanh nghiệp được tăng thêm khả năng tái đầu tư và cạnh tranh trước ảnh hưởng không nhỏ của thị trường “chợ đen”.

Ở các nước phát triển, kinh doanh vàng qua tài khoản chiếm trên 60%, còn lại là kinh doanh vàng vật chất. Ở Việt Nam, hiện Ngân hàng Nhà nước đã cho phép 20 doanh nghiệp được mở tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài. Sau thành công của Sàn giao dịch vàng Sài Gòn, hiện Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam đang xúc tiến thành lập hai trung tâm giao dịch vàng, dự kiến hai trung tâm này chính thức hoạt động vào cuối năm.

Ông Bảng cho biết, hiệp hội đứng ra thành lập có điều kiện thuận lợi hơn các doanh nghiệp cá thể. Trong trung tâm giao dịch vàng của hiệp hội sẽ có hai đối tượng chủ yếu bao gồm các doanh nghiệp kinh doanh vàng - những đơn vị có nhu cầu mua bán (vàng nguyên liệu và thành phẩm) và các ngân hàng thương mại có kinh doanh vàng, chủ yếu kinh doanh trên tài khoản.

Việc tham gia của các ngân hàng thương mại có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi có nguồn tài chính rất lớn, thành thạo nghiệp vụ kinh doanh vàng trên tài khoản. Nhưng điều quan trọng hơn cả là các ngân hàng thương mại sẽ là người mua bán cuối cùng cho sàn giao dịch.

Nghĩa là nếu có chênh lệch thừa thì ngân hàng thương mại mua vào, xảy ra chênh lệch thiếu thì họ bán ra để bảo đảm cung cầu thị trường (thông thường khi khớp lệnh giữa bên mua và bên bán sẽ có sự chênh lệch. Và người mua bán cuối cùng sẽ đứng ra xử lý chênh lệch đó).

Ai điều chỉnh?

Hoạt động của sàn giao dịch vàng tương tự như sàn giao dịch chứng khoán. Trên sàn có các thành viên (ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng...) Nhà đầu tư chọn lựa thành viên mở tài khoản và đặt lệnh thông qua các thành viên. Sàn sẽ giao dịch bằng hình thức khớp lệnh liên tục.

Thứ tự ưu tiên lệnh căn cứ vào mức giá lệnh mua giá cao, lệnh bán giá thấp, thời gian lệnh nhập vào hệ thống (lệnh nhập trước được khớp trước). Sàn sẽ căn cứ giá đóng cửa của ngày hôm trước và diễn biến giá trước giờ mở cửa làm giá tham chiếu cho nhà đầu tư.

Việc ra đời của nhiều trung tâm giao dịch vàng sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư, tránh tình trạng độc quyền, một mình một sân và chắc chắn trong tương lai sẽ có thêm nhiều trung tâm giao dịch vàng đi vào hoạt động.

Thậm chí, có ý kiến đã dự báo rằng sau sự ra đời ồ ạt của các Công ty chứng khoán, điều tương tự sẽ xảy ra với các trung tâm giao dịch vàng. Tuy nhiên, hành lang pháp lý bảo đảm cho hoạt động này diễn ra một cách lành mạnh hiệu quả vẫn còn bỏ ngỏ.

Đây là lĩnh vực kinh doanh đầy tiềm năng và rất mới mẻ nên câu hỏi được nhiều người quan tâm là: Ai sẽ là người “tuýt còi” các sàn ? Ông Bảng cho biết: - Theo Luật ngân hàng hiện nay, Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ quản lý hoạt động kinh doanh vàng, nhưng nếu theo Nghị định 160 về tổ chức quản lý của Ngân hàng Nhà nước thì Ngân hàng Nhà nước chỉ quản lý vàng trong quan hệ xuất - nhập khẩu chứ không phải là quản lý thị trường vàng nói chung. Chính vì vậy, có thể nói hiện nay những quy định về quản lý Nhà nước đối với việc thành lập cũng như hoạt động của các trung tâm giao dịch vàng là chưa rõ ràng, trong đó có việc lập tài khoản kinh doanh vàng.

Dự kiến, trong tháng này Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam sẽ phối hợp với Hiệp hội vàng thế giới tổ chức hội thảo về tổ chức - quản lý giao dịch vàng thông qua tài khoản và sàn giao dịch vàng để từ kinh nghiệm của các nước phát triển chọn ra một phương thức phù hợp với thị trường Việt Nam.

Còn hiện tại do chưa có quy định cụ thể đối với việc thành lập tài khoản kinh doanh vàng trong nước nên quyền lợi của nhà đầu tư sẽ khó được bảo đảm khi phát sinh sự cố trong giao dịch.

Theo Đức Anh
Báo Hà Nội mới