1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Hai sàn mất điểm cuối phiên

(Dân trí) - Đóng cửa phiên giao dịch sáng nay 10/1, VN-Index giảm 1,31 điểm xuống 480,55 điểm (-0,27%). KLGD ở mức thấp, đạt 33,8 triệu cp, tương đương 790,37 tỷ đồng.

Hai sàn mất điểm cuối phiên - 1
VN-Index vẫn giữ được mốc 480 điểm

Trong đó giao dịch thỏa thuận đạt 1,89 triệu cổ phiếu, tương đương 55,28 tỷ đồng. Các cổ phiếu được thỏa thuận khối lượng lớn là AGF, HCM, VFC (trên 200 nghìn cp); VMD (305 nghìn cp)…

Trên sàn, đóng cửa thị trường có 195 mã giảm giá, 50 mã tăng giá và 36 mã đứng giá. Một số bluechips tăng mạnh vào cuối phiên là DPM (tăng 600 đồng lên 38.000 đồng/cp; giao dịch hơn 440 nghìn cp thì khối ngoại mua vào hơn 300 nghìn cp); BVH (tăng 2.000 đồng); FPT, PVD (tăng 500 đồng); VIC (tăng 1.000 đồng), VPL tăng trần…

Phiên này SSI giảm khá mạnh, mức giảm 800 đồng xuống 30.300 đồng/cp; giao dịch hơn 2 triệu cp; các mã khác như STB, EIB, REE…giảm nhẹ. Sáng nay MSN giảm mạnh 2.000 đồng/cp và SSI giảm 800 đồng là các cổ phiếu kéo VN-Index giảm điểm.

Một số cổ phiếu tăng trần cuối phiên là PAN, SRC, TIC…Các cổ phiếu giảm sàn là VKP, TS4, PXM, PNC, HSG, EVE…Cổ phiếu NVN tăng 1.100 đồng và chỉ cách giá trần 100 đồng.

Hôm nay, 8 triệu cổ phiếu HTL của CTCP Kỹ thuật và ô tô Trường Long chính thức chào sàn HoSE với giá tham chiếu 20.000 đồng/cp; mã này đóng cửa ở mức 23.500 đồng/cp tuy nhiên cả phiên giao dịch được 20 cổ phiếu với giá 22 nghìn đồng và 23.500 đồng.

Tại sàn Hà Nội, HNX Index giảm 2,57 điểm (-2,34%) xuống 107,47 điểm. Thời điểm đóng cửa, toàn thị trường có 49 mã tăng, 243 mã giảm và 78 mã đứng giá, trong đó có 57 mã không giao dịch.

Các cổ phiếu chủ chốt như ACB, HBB, PVX, VCG… đồng loạt giảm; đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc HNX Index giảm khá mạnh.

Một số cổ phiếu bị đổ ra bán sàn, trong đó có nhiều mã chứng khoán như BVS, SHN, MKV, VFR, KST, GBS, PHS, VIG… Phía tăng giá cũng có nhiều mã tăng trần như NBC, MIC, DZM, SSG…

Tổng lượng giao dịch đạt hơn 31,4 triệu đơn vị, trị giá 592 tỷ đồng.

Theo bộ phận phân tích CTCK SME, tâm lý NĐT tháng 1 hạn chế giao dịch khi thị trường bước vào giai đoạn nghỉ Lễ dài để rút một phần vốn về và giảm rủi ro khi thị trường trong nước đóng cửa nhưng thị trường thế giới vẫn giao dịch trong khoảng 1 tuần.

Tâm lý thận trọng không mua giá cao hơn giá tham chiếu do thị trường thiếu thông tin hỗ trợ, nguồn cung cổ phiếu vẫn dồi dào và lực cầu không quá mạnh; Tâm lý chờ đợi của một bộ phận NĐT trước sự thay đổi của nhân sự chính phủ mới và định hướng chính sách rõ ràng hơn trong năm 2011... Do đó, theo các chuyên gia, thị trường tháng 1/2011 khó có thể có đột biến.

Phương Mai - Quốc Thắng