1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Hai sàn đồng loạt tăng điểm sau tin hạ lãi suất

(Dân trí) - Sau thông tin hạ lãi suất thêm 1%, chỉ số trên cả hai sàn đều tăng. Thị trường được hỗ trợ lớn từ các mã cổ phiếu thuộc nhóm chứng khoán, hầu hết tăng trần và lực cầu mạnh.

Nhà đầu tư đang có sự cân nhắc về tác động chính sách đối với các ngành.
Nhà đầu tư đang có sự cân nhắc về tác động chính sách đối với các ngành.

Phiên sáng đầu tuần 24/12/2012, thị trường chứng kiến sự bùng nổ đầy bất ngờ ở nhóm cổ phiếu chứng khoán.

BVS và KLS tăng trần tích cực và được gom mua rất mạnh. Lệnh bán liên tiếp được bên mua quét sạch. Phiên này, BVS tăng 600 đồng, KLS tăng 500 đồng và được khớp khối lượng lớn, lần lượt 1,7 và hơn 4 triệu cổ phiếu.

Trước đó, do ảnh hưởng của hoạt động tái cơ cấu danh mục đầu tư quỹ KLS đã có hai phiên giảm điểm cuối tuần trước, trong khi khớp lệnh tại BVS ít khi lên quá 1 triệu đơn vị. Đến cuối phiên, dư mua giá trần ở BVS còn tới hơn 1 triệu cổ phiếu.

Trong khi đó, VND cũng tăng 300 đồng mỗi cổ phiếu lên mức giá 9.100 đồng, khớp lệnh đạt 2,8 triệu đơn vị. Mặc dù VND còn cách giá trần 300 đồng tuy nhiên lực cung giá trần đã rất mạnh, đạt trên 1 triệu. SSI khớp 1,5 triệu cổ phiếu, tăng điểm với biên độ tương tự 300 đồng mỗi cổ phiếu.

Một loạt cổ phiếu giá rẻ cùng ngành khác được nhà đầu tư tranh thủ gom mua như WSS, VIG, SHS, APS, AVS - tất cả các mã này đều tăng trần đồng loạt trong phiên, hầu hết không còn dư bán cuối phiên.

Ngược lại, cổ phiếu ngân hàng lại hoạt động không mấy khả quan với hàng loạt mã giảm. STB mất nhiều nhất, mỗi cổ phiếu thiệt hại 600 đồng, lùi về mức giá 19.500 đồng. Khối lượng khớp lệnh đột ngột giảm còn vỏn vẹn chưa tới 200 nghìn đơn vị.

Cùng với đó, những trụ cột như VCB cũng mất tới 400 đồng, CTG mất 300 đồng, MBB và EIB đều giảm 100 đồng/cp.

Kể từ sau khi xuất hiện thông tin nhà đầu tư ngoại muốn mua đứt 20% cổ phần CTG, mã này đã có 2 phiên tăng trần liên tiếp với lực cầu đạt cao, tuy nhiên lại không giữ được đà, mất 1,5% sáng nay.

MSN phiên sáng nay hoạt động khá tốt khi tăng điểm mạnh 2.000 đồng/cp tương ứng 2%, lấy lại ngưỡng 10x.

Không còn tăng trần như 3 phiên trước đó, tuy nhiên BVH vẫn giữ được đà tăng điểm tốt trong phiên này, bất chấp đầu phiên đã có lúc mã này bị mất giá tới 400 đồng, tương ứng 1,2%.

Khối ngoại vẫn danh sự ưu ái cho mã này khi mua vào 111 nghìn cổ phiếu BVH. Đồng thời, tiếp tục quan tâm MBB, gom vào 150 nghìn đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu xây dựng và bất động sản, ITA được khớp 1,1 triệu, đứng giá tham chiế 4.500 đồng song đang còn dư bán 1,8 triệu tại mức giá trần 4.700 đồng. DLG tăng trần và hút cầu mạnh, khớp 1,5 triệu.

DIG tăng giá nhẹ, cầu ngoại đạt 122,37 nghìn cổ phiếu. Nhà đầu tư nước ngoài cũng thể hiện mối quan tâm với IJC mặc dù mã này đang giảm điểm, mua vào 238,3 nghìn đơn vị trong khi tổng khớp lệnh IJC chỉ 580 nghìn.

Ở phương thức thỏa thuận, PNJ được giao dịch liên tiếp tại mức 34.500 đồng. SBT cũng được giao dịch 700 nghìn đơn vị ở mức giá 14.500 và KAC thỏa thuận được 817,3 nghìn cổ phiếu giá 9.200 đồng.

Rõ ràng, trước thông tin hạ lãi suất, nhà đầu tư đang phân vân và cân nhắc về kênh đầu tư vào những ngành có thể được hưởng lợi nhiều nhất sau động thái này.

Tạm đóng cửa, VN-Index tăng 0,44 điểm tương ứng 0,11% lên 397,22 điểm với 93 mã tăng, 27 mã tăng trần so 79 mã giảm, 18 mã giảm sàn. Trong khi đó, HNX-Index cũng tăng 0,35 điểm, tương ứng 0,65% lên 54,4 điểm với 94 mã tăng, 31 mã tăng trần và 52 mã giảm, 22 mã giảm sàn. Phần lớn các mã trên 2 sàn đứng giá.

Cường độ giao dịch không mạnh như các phiên trước song thanh khoản vẫn được đảm bảo trên mức 500 tỷ đồng. Cụ thể, với 25,1 triệu cổ phiếu chuyển nhượng, tổng giá trị giao dịch trên HSX đạt 316,4 tỷ đồng; còn tại HNX cũng có 33,4 triệu cổ phiếu chuyển nhượng tương ứng 215,7 đồng.

Mai Chi