1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Gỡ rối... "sổ hồng"

Chiều 27/4, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Xây dựng đã có cuộc họp bàn tháo gỡ những vướng mắc liên quan tới việc cấp "sổ hồng" theo Luật Nhà ở.

Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà vẫn bảo lưu quan điểm của Bộ này về việc không cần phải có phần về đăng ký thế chấp trên "sổ hồng" vì "Luật Nhà ở không quy định".

Tuy nhiên ông Hà cũng cho biết, cuộc họp đã đi đến quyết định là 3 bộ (Tư pháp, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường) sẽ ban hành một thông tư liên tịch hướng dẫn liên quan đến việc đăng ký thế chấp trên "sổ hồng".

Tinh thần là tạo điều kiện cho người dân, những người có nhu cầu được đăng ký quyền sở hữu và thực hiện việc thế chấp ở các tổ chức tín dụng nhưng không bắt buộc và các ngân hàng không được quyền từ chối đăng ký thế chấp. Thông tư này sẽ được ban hành ngay sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Các cơ quan này cũng đồng ý giao Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo Thông tư hướng dẫn.

Trước đó căn cứ theo Luật Nhà ở và Nghị định (NĐ) 90 (hướng dẫn thực hiện Luật Nhà ở), khi phát hành mẫu "sổ hồng" mới, Bộ Xây dựng không thiết kế trang dành cho việc đăng ký thế chấp. Sau khi TPHCM áp dụng NĐ 90 cấp được khoảng 3.000 "sổ hồng" thì phát sinh rắc rối: một số  ngân hàng ngại không dám cho vay vì không có nội dung đăng ký thế chấp trên "sổ hồng".

Để tháo gỡ vướng mắc này, ngày 10.4.2007, Sở Tài nguyên - Môi trường TP đã họp với các ngân hàng và thống nhất đề xuất với UBND TP.HCM phương án là ghi nội dung đăng ký thế chấp vào trang bổ sung kèm theo "sổ hồng". Phương án này được UBND TPHCM chấp thuận.

Thế nhưng, theo Bộ Xây dựng, quy định như vậy là trái với Luật Nhà ở. Bộ Xây dựng dẫn điều 60 - NĐ 90 nêu rõ: "Ngay sau khi ký hợp đồng thế chấp và kết thúc giải chấp, bên nhận thế chấp (tổ chức tín dụng) phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở biết, đồng thời nếu phát hiện chủ sở hữu nhà ở đã dùng nhà ở để thế chấp tại một tổ chức tín dụng khác thì cơ quan quản lý nhà ở phải có văn bản thông báo ngay cho bên nhận thế chấp biết".

Trong khi đó Sở Tài nguyên - Môi trường  TPHCM thì cho rằng, nếu quy định không cần đăng ký thế chấp thì lại không đồng bộ với Luật Đất đai và NĐ 181 (hướng dẫn thi hành Luật Đất đai). Trước những rắc rối liên quan đến việc đăng ký thế chấp nhà đất, UBND TPHCM đã có tờ trình xin ý kiến Chính phủ và quyết định tạm ngưng việc đăng ký thế chấp trên địa bàn TPHCM.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Mạnh Hà thì việc TPHCM đề nghị có thêm một trang phụ để ghi thông tin về biến động liên quan đến nhà ở (bao gồm cả đăng ký thế chấp) trên "sổ hồng" không được các cơ quan hữu quan dự cuộc họp chiều 27/4 đồng ý vì "không có tính pháp lý".

Một Vụ trưởng thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tham dự cuộc họp này nhận định, việc hướng dẫn của thông tư sẽ rất phức tạp. "Theo Luật Đất đai, nếu thế chấp quyền sử dụng đất (sổ đỏ) bắt buộc phải được đăng ký (Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất); theo Luật Nhà ở, thế chấp nhà ở không bắt buộc.

Thế trong trường hợp thế chấp cả đất, cả nhà thì có phải đăng ký không? Và trong trường hợp sổ (sổ hồng - PV) cả đất và nhà nhưng chủ sở hữu chỉ muốn thế chấp đất thì việc đăng ký được thực hiện thế nào khi mà sổ hồng không có trang ghi biến động?", ông này phân tích.

Theo Tuyết Nhung - Thanh Bình - Mai Phương
Báo Thanh niên