1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

“Giải mã” nguyên nhân lạm phát năm 2015 thấp kỷ lục

(Dân trí) - Giá xăng giảm gần 25%, giá gas giảm gần 19%, nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào…đã khiến chỉ số CPI năm 2015 xuống thấp nhất 15 năm. Trong khi đó, việc tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục và tăng giá điện 7,5% cũng chỉ tác động khiêm tốn lên đà lạm phát.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2015 có tốc độ tăng tương đối thấp kể từ năm 2001 lại đây. Bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,05% và bình quân cả năm tăng 0,63% so năm 2014, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5% của Quốc hội đặt ra.

Khi CPI giữ ở mức thấp và ổn định sẽ tạo điều kiện cho các chính sách tiền tệ tích cực, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển và tạo điều kiện cho giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý được tính đầy đủ các chi phí theo giá thị trường.

Giá lương thực, thực phẩm và nhiên liệu đã giúp lạm phát năm 2015 duy trì mức thấp
Giá lương thực, thực phẩm và nhiên liệu đã giúp lạm phát năm 2015 duy trì mức thấp

Theo cơ quan thống kê, chỉ số CPI năm 2015 có mức tăng khá thấp so với các năm trước đây do giá nhiên liệu xuống thấp trong khi lương thực, thực phẩm rẻ hơn.

Cụ thể, giá nhiên liệu trên thị trường thế giới gần đây giảm mạnh, giá dầu Brent xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, từ mức 110,47 USD/thùng (cuối năm 2013) xuống còn dưới 40 USD/thùng (thời điểm ngày 15/12/2015), bình quân giá dầu Brent năm 2015 giảm khoảng 45,6% so với năm 2014, nên giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm.

Giá xăng dầu giảm kéo theo chỉ số giá nhóm hàng “Nhà ở và vật liệu xây dựng” và “Giao thông” năm 2015 lần lượt giảm 1,62% và 11,92%, so với năm trước, trong đó riêng giá xăng dầu giảm 24,77% so với năm trước đã góp phần giảm CPI chung 0,9%.

Cùng với đó, giá gas sinh hoạt trong nước cũng được điều chỉnh theo giá gas thế giới, giảm từ tháng 6 đến tháng 9 và bình quân năm 2015 giảm 9,51% so với cuối năm trước và giảm 18,6% so với năm trước.

Bên cạnh đó, nguồn cung về lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào cũng đã khiến những mặt hàng này không còn “sốt” giá như các năm trước. Sản lượng lương thực của thế giới tăng cùng với sự cạnh tranh với các nước như Thái Lan, Ấn Độ đã khiến việc xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp khó khăn hơn, do đó giá lương thực luôn ở mức thấp hơn các nước khác.

Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm mạnh bởi Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu gạo theo hình thức qua biên giới, tăng cường nhập khẩu theo đường chính thức từ nhiều nguồn cung với giá thấp của Ấn Độ, Pakistan, Myanmar.

Ngoài ra, trong năm 2015, Thái Lan đã bán tháo gạo tồn kho và trước đây Thái Lan chủ yếu tập trung xuất khẩu các sản phẩm gạo cao cấp, thị phần gạo cấp thấp gần như không quan tâm nhưng trong 2 năm trở lại đây, Thái Lan bắt đầu gia tăng, chiếm lĩnh thị trường gạo cấp thấp - thị phần chủ yếu của gạo Việt Nam. Thêm vào đó, gạo Myanmar và Campuchia nổi lên là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với gạo Việt Nam và đã từng bước chiếm lĩnh thị trường.

Xuất khẩu gạo gặp khó khăn đã tác động đến giá bán buôn, bán lẻ gạo trong nước giảm theo. Từ đó khiến chỉ số giá nhóm lương thực năm 2015 giảm 1,24% so với cuối năm trước.

Năm 2015, giá dịch vụ y tế được điều chỉnh với mức độ thấp chỉ tác động đến CPI khoảng 0,07%, giá dịch vụ giáo dục tác động đến CPI khoảng 0,12% và giá điện điều chỉnh tăng 7,5% (ngày 16/3/2015) cũng chỉ tác động đến CPI khoảng 0,19%.

Ngoài ra, Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong 2 năm gần đây, CPI tăng thấp, ngoài các nguyên nhân như đã đề cập, còn có yếu tố tâm lý, chi tiêu của người dân được tính toán kỹ hơn, cân nhắc hơn. Do đó, người cung cấp hàng hóa, dịch vụ cũng không tăng giá cao vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán hay các ngày lễ hội như những năm trước đây.

Bích Diệp

 

“Giải mã” nguyên nhân lạm phát năm 2015 thấp kỷ lục - 2