1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Giá xăng A92 thế giới neo tại đỉnh cao 3 tháng

(Dân trí) - Mặc dù đã giảm nhẹ so với hồi tuần trước, giá xăng A92 thế giới vẫn tiếp tục đứng ở mức cao nhất kể từ ngày 3/5 tới nay trong bối cảnh giá dầu thô thế giới tăng trở lại. Người tiêu dùng lại canh cánh nỗi lo xăng tăng giá.

Những kỳ vọng của nhà đầu tư thế giới về việc ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ có những quyết sách để kiểm soát khủng hoảng nợ trong khu vực đã khiến giá dầu thô phục hồi. Cùng lúc đó, đồng Euro cũng lên mức cao nhất 7 tuần qua so với USD. 
Người tiêu dùng lại lo lắng vì nguy cơ giá xăng tăng
Người tiêu dùng lại lo lắng vì nguy cơ giá xăng tăng

Trong phiên giao dịch đêm qua trên sàn New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 9 đã tăng 71 cent lên mức 96,68 USD/thùng. Đã có thời điểm mỗi thùng dầu thô được giao dịch ở mức 97,6 USD, cao nhất kể từ ngày 10/5. Tại London, dầu thô Brent giao tháng 10 cũng tăng 94 cent để lên mức 114,64 USD/thùng. 

Hiện các nhà đầu tư vẫn lạc quan rằng ECB sẽ có động thái giúp giảm chi phí vay vốn của Tây Ban Nha và Italia. Trước đó 1 ngày thị trường thậm chí còn đồn đoán rằng ECB có thể tung tiền mua trái phiếu các nước Eurozone nếu chi phí vay vốn của những nước này vượt một ngưỡng nhất định.

“Sự lạc quan về khả năng có đột phá đối với vấn đề Hy Lạp đang thúc đẩy tâm lý sẵn sàng chịu rủi ro”, Addison Armstrong, giám đốc nghiên cứu thị trường tại Tradition Energy nhận định. Trong tuần này thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras sẽ gặp gỡ với thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp Francois Hollande cùng chủ tịch nhóm Euro-zone để bàn thảo về khả năng vay vốn từ EU, IMF và ECB.

Một thông tin đáng chú ý khác đó là lượng dầu thô dự trữ của Mỹ trong tuần qua được Reuters dự báo giảm nhẹ 400.000 thùng. Xăng dự trữ cũng giảm 700.000 thùng. Tình hình này đã khiến giá xăng và dầu phục vụ cho sưởi ấm tại Mỹ tăng hơn 1%. 

Những diễn biến trên khiến giá xăng A92 thế giới tiếp tục duy trì ở mức cao. Theo Bloomberg, chốt phiên giao dịch 21/8, giá xăng giao ngay FOB Singapore được giao dịch ở mức 126,43 USD/thùng, giảm 0,27 USD so với phiên trước đó. 

So với mức đỉnh 128,2 USD/thùng được thiết lập hôm 13/8, cũng là thời điểm giá bán lẻ trong nước được điều chỉnh tăng 1.100 đồng/lít, thì giá xăng A92 thế giới đã giảm nhẹ. Dù vậy mức giá hiện tại vẫn là cao nhất trong vòng 3 tháng qua. Tính chung trong vòng 1 tháng trở lại đây, giá xăng A92 tại Singapore đã tăng 10,2%.

Nếu giá xăng A92 thế giới tiếp tục neo cao như hiện nay, khả năng giá bán lẻ trong nước sẽ tiếp tục được điều chỉnh là điều có thể xảy ra. Bởi theo cách tính giá cơ sở theo giá bình quân 30 ngày, thì từ ngày 21/7 đến nay số ngày giá xăng thế giới tăng áp đảo số ngày giá giảm. 

Từ đầu năm đến nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh tới 10 lần, trong đó có 5 lần tăng mức tăng tổng cộng 5.400 đồng. Trong khi đó sau 5 lần giảm, giá bán lẻ chỉ giảm 3.200 đồng. 

Một giải pháp để giữ giá xăng dầu không tăng thêm, tránh tác động tới người tiêu dùng đó là giảm thuế nhập khẩu xăng dầu. Bởi những tháng đầu năm, khi giá thế giới ở mức cao như hiện nay, thuế nhập khẩu xăng chỉ là 4%. Thế nhưng khi giá xăng nhập khẩu giảm, thuế nhập khẩu đã liên tục được đẩy lên và hiện đã là 12% và cứ “chốt cứng” tại mức này.
 
Theo số liệu mới nhất của Cục thống kê các thành phố Hà Nội và TP.HCM, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 ở 2 đầu tàu kinh tế này đã tăng lần lượt 0,57% và 0,66%. Nếu giá xăng lại tăng một lần nữa, sẽ khó có thể tránh việc giá các loại hàng hóa khác “tát nước theo mưa”. 

Thanh Tùng