1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Giá tăng, gửi tiền ngân hàng “hết lời”?

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bảy tháng đầu năm đã gần ngang ngửa với lãi suất tiết kiệm. Câu hỏi đặt ra: liệu gửi tiền ngân hàng có còn lời? PGS-TS Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TPHCM) đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này.

Theo ông, tiền gửi tiết kiệm có bị “teo” lại trong thực tế?

Nếu so sánh giữa lãi suất danh nghĩa - mức lãi suất do các ngân hàng công bố - với tỉ lệ lạm phát hiện nay, chắc chắn người gửi tiền bị thiệt hại. Bởi tỉ lệ lạm phát đang ở mức cao, xấp xỉ hoặc thậm chí bằng mức lãi suất danh nghĩa của các ngân hàng.

Tuy nhiên, ở bất cứ một nền kinh tế đang phát triển nào cũng phải đối mặt với vấn đề này. Việc tăng hay giảm lãi suất không phải chuyện mà khi muốn là có thể làm được. Nếu lãi suất tăng lên, nền kinh tế có thể bị tê liệt vì hoạt động sản xuất sẽ bị đình đốn do chi phí lãi vay cao.

Và khi đó không chỉ người dân có tiền nhàn rỗi, ngay cả các doanh nghiệp cũng sẽ chọn giải pháp gửi tiền thay vì đầu tư mở rộng sản xuất nếu ngân hàng trở thành “kênh đầu tư” với lãi suất hấp dẫn.

Theo các ngân hàng thương mại, nguồn vốn tín dụng VND đang rất “dồi dào”. Phải chăng chúng ta không có những kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn, có khả năng sinh lợi cao hơn?

Giá tăng, gửi tiền ngân hàng “hết lời”? - 1
  

PGS-TS Trần Ngọc Thơ.

Tôi cho rằng chúng ta không thiếu các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn, mà vấn đề là khả năng chấp nhận mức độ rủi ro của những người có tiền. Nếu có ít tiền, người ta vẫn có thể góp vào một hội để đầu tư vào chứng khoán được mà.

Nói một cách cụ thể hơn, kênh tiết kiệm vẫn là kênh có tỉ lệ rủi ro thấp nhất. Giữa VND và USD, gửi tiết kiệm bằng VND vẫn có lợi hơn. Ngoài vấn đề lãi suất VND nhỉnh hơn lãi suất USD, việc giữ VND còn có cái lợi khác là được Nhà nước bảo hộ về rủi ro tỉ giá, do tỉ giá giữa VND và USD không biến động nhiều.

Với một nền kinh tế vẫn đang ở... vạch xuất phát như VN, việc “hi sinh” lạm phát để đánh đổi cho mục tiêu tăng trưởng là điều có thể chấp nhận, thưa ông?

Đây lại là một câu chuyện dài. Có nhiều vấn đề cần phải bàn trong việc đánh đổi giữa mục tiêu tăng trưởng với lạm phát, trong đó làm phát sinh những khó khăn cho đời sống của người dân (giá cả tăng...). Có nhiều ý kiến ủng hộ chuyện đánh đổi này và ngược lại cũng có không ít ý kiến cho rằng cần phải kiềm chế lạm phát.

Theo tôi, nếu việc đánh đổi đó thật sự đem lại hiệu quả, nền kinh tế tăng trưởng ổn định và bền vững thì hoàn toàn có thể chấp nhận được. Do đặc thù của nền kinh tế VN, khu vực kinh tế quốc doanh vẫn nắm vai trò chủ đạo.

Cho nên phải xem xét lại kênh đầu tư này, liệu việc bơm tiền vào khu vực kinh tế này có mang lại hiệu quả thật sự hay không, có thất thoát hay không; rồi việc chi tiêu ngân sách cho những mục tiêu khác có bị lãng phí hay không...

Đây mới thật sự là những vấn đề. Đồng tiền phải được bơm vào chỗ cần thì mới đem lại hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế mới được nâng lên. Theo quan điểm của cá nhân tôi, việc sử dụng đồng vốn của khu vực kinh tế quốc doanh hiện nay chưa thật sự đem lại hiệu quả như mong đợi.

Theo Hải Đăng
Báo Tuổi trẻ