1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Gia Lai

Giá rau xanh tăng chóng mặt vì khô hạn kéo dài

(Dân trí) - Nhiều tháng nay, hạn hán luôn hoành hành ở các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, khiến việc trồng trọt của người nông dân gặp nhiều khó khăn do thiếu nước tưới, và hậu quả là giá rau xanh đã được tăng lên khá cao.

Hơn 1 tháng nay, người dân phố núi Pleiku, Gia Lai luôn bị giá cả lương thực, thực phẩm “quay” cho chóng mặt, khi giá của ngày Tết chưa kịp hạ nhiệt thì nay họ phải đối mặt với sự tăng giá do hạn hán. Không chỉ bị tăng giá mà nhiều loại rau xanh cũng đang dần khan hiếm hơn.

Sau khi mua xong vài lạng cua đồng, bác Trần Thị Hoa nhà trên đường Hùng Vương liền đến một sạp rau lớn (thuộc Trung tâm thương mại TP.Pleiku) để mua rau đay về nấu canh cua. Khi cầm bó rau lên tay (chừng hơn chục cây rau) bác Hoa giật mình khi người bán nói giá là 7 nghìn đồng. “3 bó rau như thế này, về ngắt ra thì chỉ được chừng 1 nắm rau mà giá lên đến 21 nghìn đồng. Nhà tôi 5 miệng ăn, nấu một nồi canh rau đay tính mình tiền rau đã hết một nấy, chưa nói tiền cua. Nếu biết trước giá rau đắt như vậy thì tôi đã không mua cua nữa, ăn canh khác cũng được”, bác Hoa than thở.

Không chỉ giá cả tăng cao, mà số lượng rau bán tại chợ Lớn Pleiku giảm khá mạnh khiến nhiều người bán rau nhỏ lẻ phải nghỉ bán vì không mua được hàng, còn các sạp bán rau lớn cũng không còn chồng chất rau như thời gian trước. Và giá cả cũng tăng khá cao: rau muống tăng từ 5 nghìn đồng/bó lên 7 nghìn đồng, cải cúc từ 3 nghìn đồng/bó lên 5 nghìn đồng, cải ngồng tăng lên 6 nghìn đồng/bó, rau lang từ 5 nghìn đồng lên 7 nghìn đồng/bó…

Bó rau khoai lang đếm chỉ hơn 10 ngọn rau này giá 7 nghìn đồng/bó
Bó rau khoai lang đếm chỉ hơn 10 ngọn rau này giá 7 nghìn đồng/bó

Một chủ sạp rau cho biết nguyên nhân của sự tăng giá là do thời tiết khô hạn, nhiều nơi không có nước tưới khiến nguồn cung cấp rau trên địa bàn tỉnh giảm khá mạnh: “Nếu mưa không xuất hiện sớm, thì tình trạng khô hạn càng nghiêm trọng hơn, nhiều người không có nước để trồng rau thì giá rau còn tăng cao hơn nữa. Không chỉ vậy mà một số rau còn không có cho mà bán chứ đừng nói là đắt”, chị này nói thêm.

Cùng chung tình trạng như các tiểu thương ở chợ Lớn, chị Bình- một người bán rau và các loại mặt hàng ăn khác tại đường Đồng Tiến (TP.Pleiku) cho biết, sáng nay chị đi chợ mua rau về bán nhưng chẳng mua được rau gì ngoài vài bó ngọn su su và mồng tơi. Chỉ vào mớ rau, chị Bình cho biết: “Bữa nay thiếu nước tưới nên các loại rau sản xuất tại địa bàn trong tỉnh bị giảm khá mạnh, sáng nay tôi đi lấy rau về bán mà thấy hàng hiếm quá. May mà tôi nhanh tay mua được mấy bó ngọn su su này, giá loại rau nào cũng tăng rất đắt. Bữa trước giá mỗi bó ngọn su su này có 6 nghìn đồng mà nay đã lên 8 nghìn đồng”.

Sạp rau của chị Bình trên đường Đồng Tiến chỉ có vài bó ngọn su su với giá 8 nghìn đồng/bó
Sạp rau của chị Bình trên đường Đồng Tiến chỉ có vài bó ngọn su su với giá 8 nghìn đồng/bó

Ngoài việc giá được đẩy lên cao, thì số lượng của mỗi bó rau cũng giảm hơn so với bình thường: “Khi giá rẻ thì nhìn bó rau cũng to hơn, còn khi giá cao thì bó rau cũng “teo tóp” hơn, dù vậy thì vẫn phải mua vì trong bữa ăn có thể thiếu thịt, thiếu cá chứ thiếu rau thì rất khó ăn”, một chị nội trợ cho biết.

Trước tình hình hạn hán kéo dài, theo số liệu của Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai, trên địa bàn tỉnh có 17 huyện, thị thì có đến 10 huyện, thị xảy ra tình trạng hạn hán. Và hậu quả là đã có gần 2.000 ha cây trồng vụ đông xuân thiệt hại do nắng hạn.

Thiên Thư