1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Gia nhập WTO: Vốn ngoại đến và đi

Việt Nam gia nhập WTO, nhiều nguồn vốn ngoại sẽ vào dù không mời. Nhưng, cũng có những trường hợp vào để rồi bỏ cả kinh nghiệm lẫn vốn liếng mà ra đi…

Trong “lịch sử” của thị trường vốn Việt Nam, cái tên Finasa được đánh dấu đỏ ở vai trò tiên phong khai phá, ở một phép thử mà phải mất tới 10 năm để có kết quả cuối cùng. Nhưng đó là một kết quả buồn.

Tập đoàn Finasa đóng tại Thái Lan, bắt đầu tham gia thị trường Việt Nam vào năm 1994, thông qua Quỹ Frontier Fund. Với 50 triệu USD, Finasa hy vọng sẽ chiếm được lợi thế đi đầu tại Việt Nam. Nhưng quỹ này đã buộc phải ra đi, bỏ lại vốn liếng, công sức và kinh nghiệm gây dựng sau 10 năm.

Có nhiều lý giải về thất bại của Quỹ Frontier Fund, rằng đó là thời điểm mà khái niệm “cổ phần hóa”, “thị trường chứng khoán” còn quá mới mẻ tại Việt Nam; rằng hệ thống doanh nghiệp nội địa còn yếu, cơ chế chính sách chồng chéo… Giá trị lớn nhất mà Frontier Fun để lại là bài học kinh nghiệm cho những bước chân nối tiếp.

Một trong những bước chân đó là Dragon Capital. Đến nay, công ty này đã hoạt động được 12 năm, mà 3 năm đầu không lỗ không lãi, 3 năm tiếp thì mất 1/3 vốn, vị chi là mất 6 năm không được đồng nào.

“Nhưng các nhà đầu tư luôn có một cái nhìn dài hạn. 4 năm sau kế tiếp chúng tôi đã phục hồi. Và năm nay, nếu không có gì thay đổi thì tăng trưởng sẽ tiếp tục thuận lợi, có triển vọng”, ông Dominic Scriven, Giám đốc điều hành Dragon Capital, nói. Giới phân tích gọi đó là “mùa quả ngọt” dành cho Dragon Capital, cho những nhà đầu tư kiên trì.

Bản thân Giám đốc James Marshall của Quỹ Frontier Fund cũng từng thừa nhận rằng họ đã ra đi khi mà thị trường vốn Việt Nam bắt đầu sôi động và các cơ hội bắt đầu lộ thiên. Và Finasa quyết định trở lại với sự ra đời của một quỹ đầu tư mới, có quy mô nhỏ hơn, có quy mô vốn 15 triệu USD.

Nhận định của James Marshall cụ thể hơn trong các mức tăng trưởng ấn tượng của nhiều quỹ đầu tư trong những năm gần đây. Đó là mức tăng phổ biến từ 15 – 25% của Quỹ VEIL (Vietnam Enterprise Investment Limited), của Quỹ VOF (Vietnam Opportunity Fund), của Dragon Capital… Và theo dự báo của ông Dominic, năm nay mức tăng trưởng đó cũng sẽ thuận lợi, khoảng “vài chục phần trăm” và xoay quanh mức tăng của chỉ số Vn-Index.

Nhận thấy mảnh đất Việt Nam thực sự có thể gieo trồng, gần đây một loạt các công ty tài chính, chứng khoán, quỹ đầu tư đã lần lượt vào Việt Nam. Nhiều quỹ đầu tư cũ cũng đã bắt đầu mở rộng với việc thành lập những quỹ mới trực thuộc; một số quỹ bắt đầu tăng thêm vốn.

Có nhiều lý do. Đó là tăng trưởng GDP của Việt Nam những năm gần đây luôn dẫn đầu Đông Nam Á, từ 7 – 8%/năm; thị trường vốn tuy còn nhỏ nhưng được đánh giá là mới nổi và có nhiều triển vọng; Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO, cơ chế có nhiều đổi thay thuận lợi… Nhưng cũng tại thời điểm này, vấn đề mở cửa như thế nào, ở mức độ nào lại được bàn luận nhiều hơn cả; sự có mặt ngày càng nhiều của những dòng vốn ngoại lại khiến nhiều doanh nghiệp trong nước và cả nhà quản lý lo lắng.

Thay vì dùng từ “Đầu tư” trong các hoạt động của HSBC, VOF, OCBC… ở Techcombank, Phở 24, VPBank…, người ta thường thích dùng từ “Mua lại” hơn. Từ “Mua lại” ít nhiều gợi đến cảm giác bị thôn tính. Nếu nhìn tích cực hơn, đó là những đinh vít nhỏ để góp sức giữ chân các nhà đầu tư. “Bởi điều đáng tiếc nhất là họ đã đến mà lại để họ phải ra đi vì không có gì để đầu tư”, ông Dominic nói.

Theo Trịnh Minh Đức
VnEconomy