1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Gia nhập WTO càng muộn, càng bất lợi

Hi vọng Việt Nam sẽ chính thức gia nhập WTO trong phiên họp Đại hội đồng WTO vào ngày 10/10 đã khó trở thành hiện thực. Liệu Việt Nam có còn cơ hội nào để gia nhập tổ chức này trong năm 2006, nếu không kịp Việt Nam sẽ phải đối mặt với những bất lợi gì?

Ông Hoàng Phước Hiệp - vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp), thành viên đoàn đàm phán WTO của Việt Nam - cho biết:

 

Vấn đề đa phương hiện còn vướng chủ yếu về khâu kỹ thuật từ phía một vài đối tác lớn với Việt Nam. Trong đó, họ muốn giải thích rộng hơn một vài điểm thuộc nội dung vốn đã được thống nhất giữa các bên.

 

Chẳng hạn, như trước đây đã thống nhất cách tính thuế đối với rượu theo nồng độ cồn, nhưng họ lại đưa ra các cách tính khá phức tạp. Vấn đề mua sắm chính phủ các thiết bị thông tin từ nguồn ngân sách nhà nước vốn là vấn đề tùy nghi (không bắt buộc phải cam kết) nhưng họ vẫn yêu cầu ta cam kết.

 

Ngoài ra, vấn đề sở hữu trí tuệ cũng không đơn giản chút nào, nhất là các chương trình phần mềm máy tính, chương trình truyền hình, kể cả truyền hình cáp, vấn đề xử lý hình sự những tổ chức, cá nhân vi phạm...

 

Hiện nay, cả hai bản phụ lục cam kết về thuế đối với hàng hóa và về dịch vụ cơ bản đã hoàn tất và được Ban thư ký WTO chuyển cho các nước thành viên để tham gia ý kiến. Tuy nhiên, cái khó lớn nhất hiện nay là chuyển những nội dung từ cam kết song phương với 28 nước sang cam kết đa phương không đơn giản chút nào, đặc biệt là về mặt kỹ thuật.

 

Như vậy, về mặt lý thuyết, các nước mặc dù đã kết thúc đàm phán song phương vẫn có thể đặt vấn đề đàm phán đa phương với Việt Nam?

 

Tận dụng biện pháp trợ cấp mà WTO cho phép

 

Việt Nam vẫn chưa sử dụng hết những biện pháp trợ cấp mà WTO cho phép trong khi đang buộc phải cắt bỏ dần những trợ cấp trái với qui định của WTO - nghiên cứu do Đại sứ quán Ý tại Việt Nam hỗ trợ đã chỉ ra như vậy.

 

Đối với ngành nông nghiệp, một số hình thức trợ cấp được phép sử dụng trong WTO mà Việt Nam chưa áp dụng là hỗ trợ điều chỉnh cơ cấu doanh nghiệp, các khoản thanh toán trực tiếp cho người sản xuất.

Đúng vậy, về nguyên tắc cho đến khi bỏ phiếu gia nhập WTO, các nước thành viên vẫn có quyền đưa các vấn đề đa phương ra đàm phán với Việt Nam. Vì vậy, không nên khẳng định chúng ta đã kết thúc đàm phán đa phương trong thời gian trước khi Đại hội đồng bỏ phiếu về việc Việt Nam trở thành thành viên WTO.

 

Trường hợp vấn đề kết nạp Việt Nam chưa kịp đưa ra trong phiên họp Đại hội đồng vào ngày 10 và 11/10 sắp tới, liệu sẽ có một phiên họp bất thường để kết nạp Việt Nam  sau thời điểm trên?

 

Rất có thể! Chúng ta có một thuận lợi là chủ tịch Đại hội đồng WTO hiện là trưởng ban công tác gia nhập WTO của Việt Nam. Vì vậy, rất có thể sau khi chúng ta hoàn tất mọi vấn đề đàm phán về đa phương, chủ tịch Đại hội đồng có thể triệu tập phiên họp bất thường để xem xét kết nạp Việt Nam.

 

Thông thường kỳ họp Đại hội đồng hai tháng một lần, trong trường hợp tháng 12/2006 vẫn không kịp thì có thể việc kết nạp Việt Nam sẽ phải kéo dài sau năm 2006.

 

Tuy nhiên, theo tôi, trong tình hình hiện nay, nếu mọi việc thuận lợi sau phiên đàm phán đa phương vào ngày 9/10 thì khoảng cuối tháng mười sẽ tiếp tục có một phiên kỹ thuật, sau đó tại kỳ họp Đại hội đồng vào tháng 12/2006 Việt Nam có thể sẽ được đưa ra xem xét kết nạp.

 

Theo ông, sẽ có những bất lợi nào cho Việt Nam nếu như trường hợp Việt Nam không kịp gia nhập trong năm nay?

 

Đến nay câu chuyện về đàm phán song phương có thể xem như kết thúc, nhưng vẫn còn vấn đề đa phương. Vì quyền đàm phán đa phương chỉ kết thúc khi các nước biểu quyết xong và Đại hội đồng đã có một quyết định về việc Việt Nam trở thành thành viên WTO. Còn nếu chưa có quyết định trên thì về mặt nguyên tắc các nước vẫn có quyền đưa vấn đề của Việt Nam ra đa phương để thảo luận.

 

Ngoài ra, như trên tôi đã nói, có những vấn đề thuộc song phương đã kết thúc với Việt Nam, nhưng một số nước vẫn có thể “xới” lên chuyển thành vấn đề đa phương. Chẳng hạn, mức cắt giảm bình quân một sản phẩm A là 15%, nhưng đột nhiên có một nước yêu cầu Việt Nam phải cắt giảm mức thuế này xuống 14% vì một lý do nào đó sẽ gây bất lợi rất lớn cho Việt Nam.

 

Hoặc một số nước cũng có thể đặt ra các cơ chế như kiểm soát dệt may, hay vấn đề sở hữu trí tuệ... Vì vậy, có thể nói gia nhập càng muộn càng bất lợi cho Việt Nam.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Xuân Toàn - H.Giang 

Báo Tuổi trẻ