1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Gia nhập WTO: “Càng muộn, càng bất lợi”

"Vấn đề có vào được WTO trong năm nay hay không phụ thuộc vào phía đối tác thôi, việc họ có thiện chí với VN hay không thôi". Đó là ý kiến của ông Hoàng Phước Hiệp, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế thuộc Bộ Tư pháp, đồng thời là thành viên đoàn đàm phán WTO của VN, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo giới mới đây.

Theo ông, việc đưa ra mục tiêu phải vào WTO năm 2005 có tạo sức ép khi đàm phán, trong khi thời gian không còn nhiều?

Tôi nghĩ dùng từ “sức ép” không được chính xác cho lắm bởi VN đã có một chiến lược tổng thể về đàm phán với từng phương án, bước đi cụ thể. Nói nôm na là ta có kịch bản về vấn đề đó và kịch bản này trước đây dự kiến là cuối 2005.

Vì vậy, sức ép đối với các thành viên trong đoàn đàm phán là không có mà chỉ theo đúng kịch bản, lộ trình đã được đưa ra. Vấn đề có vào được WTO trong năm nay hay không phụ thuộc vào phía đối tác thôi, việc họ có thiện chí với VN hay không thôi.

Nhưng thưa ông, cũng có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta vào WTO cuối năm 2005 hay đầu năm 2006 chỉ có ý nghĩa nhiều hơn về mặt thời gian, cái được và mất trong kinh doanh của các doanh nghiệp thì không mấy khác biệt?

Theo lộ trình ban đầu của WTO thì vòng đàm phán Doha sẽ kết thúc vào năm 2005, chính vì vậy chúng ta mới đặt mục tiêu vào WTO cuối năm 2005.

Hôm 11/4 vừa rồi, trả lời báo chí Việt Nam, ông Mike Moore, nguyên Tổng giám đốc WTO, đã nói rất rõ ràng về vấn đề này và tôi muốn nhắc lại là càng vào muộn, càng khó khăn trong mọi vấn đề. WTO không phải là cơ chế hợp tác mà là nơi phân chia thị phần trong thương trường quốc tế. Nếu anh vào sau, anh phải chấp nhận những điều kiện cao hơn các nước đã vào trước, đó là luật chơi chung.

Vậy theo ông, những vấn đề gì còn lại sẽ phải được đưa lên bàn đàm phán đa phương thứ 10 tại Geneva sắp tới?

Đây đúng là một câu hỏi khó vì mọi cái còn đang ở phía trước và mọi dự báo đều có thể không chính xác. Tôi nghĩ điều mà nhiều thành viên quan tâm nhất là việc VN có thể thực hiện những cam kết “cộng”, tức là những cam kết cao hơn so với các thành viên cũ, với WTO không.

Thứ hai là một loạt các vấn đề mới phát sinh mà chúng ta đã cố gắng không đưa vào nội dung đàm phán, ví dụ như vấn đề lao động, môi trường. Đây là những vấn đề không có trong WTO năm 1995.

Để đạt mục tiêu vào WTO tháng 12 năm nay, nhiều người cho rằng phiên đàm phán đa phương thứ 10 tới sẽ rất quan trọng. Nếu kết thúc được, những phiên sắp tới chỉ còn mang tính thủ tục, chúng ta sẽ dồn sức cho đàm phán song phương, đặc biệt là với Mỹ, Trung Quốc, Nhật?

Tôi nghĩ rằng sau phiên đàm phán thứ 8, phiên nào cũng quyết định cả vì mỗi phiên tập trung vào một chủ đề. Có thể phiên 10 kết thúc được vấn đề này nhưng sẽ có những vấn đề mới phát sinh phải chờ đến phiên 11. Có những nước chỉ phải trải qua 2-3 phiên đàm phán là xong.

Theo ông, tại Hội nghị Bộ trưởng WTO tháng 12 sắp tới ở Hồng Kông, có bao nhiêu nước sẽ được kết nạp?

Trong một lần nói chuyện với Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội mà tôi được tham dự, đại sứ Mỹ ở GATT/WTO nói rằng, theo thông lệ, mỗi Hội nghị Bộ trưởng WTO chỉ kết nạp hai thành viên mới mà thôi. Một thành viên của nước “mạnh”, một của nước “yếu”.

Nước mạnh năm nay bao gồm Ảrập Saudi, Ukraina, Việt Nam, Nga, còn các nước yếu như quần đảo Fiji… Nga đã nói muốn vào WTO năm 2006, Ảrập Saudi, Ukraina đã kết thúc đàm phán và nhận được sự hậu thuẫn rất lớn của Mỹ.

Nhưng ông đại sứ cũng nói rằng năm nay có thể có sự đột phá bằng cách “phá lệ”. Chúng ta cùng chờ xem.

Việc chỉnh sửa luật để phù hợp hơn với các cam kết WTO sẽ được tiến hành như thế nào?

Qua nghiên cứu, khảo sát của nhóm chuyên gia độc lập, trong đó tôi là một thành viên, đối với 262 văn bản pháp luật thì thấy có 50 văn bản (14 luật, 2 pháp lệnh, 20 nghị định, 3 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 11 văn bản cấp bộ) cần phải sửa đổi hoặc bổ sung; 39 văn bản pháp luật mới (8 luật, 3 pháp lệnh, 16 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng, 11 văn bản cấp bộ) và bốn điều ước quốc tế cần phải được ban hành.

Để làm được việc này, chúng ta phải vượt qua hai thách thức, cả về thời gian và chất lượng sửa đổi, ban hành các văn bản mới. Trong chỉ thị hồi đầu tháng này, Thủ tướng đã chỉ đạo: đối với những quy định pháp luật hiện hành, nếu có những điều khoản không phù hợp với quy định của WTO thì sẽ cho sửa ngay.

Vì vậy, từ nay, khi các cơ quan trình dự án luật sửa đổi phải giải thích rất rõ tại sao lại sửa theo hướng đó, hướng này phù hợp với luật lệ của WTO như thế nào để Quốc hội biết trước khi biểu quyết.

Theo Tuổi trẻ/ SgEconomy