1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Giá gas tăng mạnh, ai chịu trách nhiệm?

Mức điều chỉnh tăng 42.000 đồng/bình gas 12kg của các đại lý kinh doanh gas công bố ngày 1/2 vừa qua đã khiến không ít gia đình phải suy nghĩ. Bởi trong tháng 1/2012, giá gas đã điều chỉnh hai lần với tổng mức tăng giá 32.000 đồng/bình 12kg.

Tính chung hai tháng, giá gas bán lẻ tới tay người tiêu dùng đã tăng thêm 74.000 đồng/bình, mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Câu hỏi mà nhiều gia đình sử dụng gas hằng ngày đặt ra là: giá tăng cao như vậy có hợp lý không và cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý giá mặt hàng thiết yếu này để bảo đảm giá được kiểm soát chặt chẽ?

 

Người tiêu dùng chịu thiệt

 

Trong khi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp kiềm chế tăng giá nhằm giữ lạm phát cả năm 2012 ở mức một con số và ổn định kinh tế vĩ mô thì ngay trong những tháng đầu năm, giá gas bán lẻ đã liên tiếp tăng mạnh. Tính chung 3 lần tăng diễn ra trong tháng 1 và 2/2012, giá gas bán tới tay người tiêu dùng đã tăng khoảng 74.000 đồng/ bình 12kg.

 

Giá gas tăng mạnh, ai chịu trách nhiệm?   - 1
Tuy là mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá nhưng trên thực tế giá gas luôn bị các hãng kinh doanh điều chỉnh đầy ngẫu hứng.

 

Một số hãng kinh doanh gas lý giải, giá tăng mạnh trước hết là do giá thế giới (giao tháng 2) đã lên mức 1.025 USD/tấn, tăng 145 USD/tấn so với tháng trước. Nhu cầu tiêu thụ gas trên toàn cầu vào mùa đông tăng mạnh cũng góp phần đẩy giá lên cao. Một nguyên nhân quan trọng khác là do thuế nhập khẩu gas mới đây đã tăng từ 2% lên 5%; với mức thuế này, mỗi bình gas 12kg tăng thêm khoảng 8.000 đồng.

 

Theo quy định, gas là mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá. Khi điều chỉnh giá, DN phải đăng ký với sở tài chính địa phương để bảo đảm giá được kiểm soát. Nhưng trên thực tế, giá gas đã được điều chỉnh đầy… ngẫu hứng.

 

Theo tính toán của một số công ty kinh doanh gas, với giá gas thế giới 1.025 USD/tấn hiện nay, cộng với các khoản thuế, phí vận chuyển, bảo hiểm, lợi nhuận cho nhà nhập khẩu, mỗi bình gas 12kg có mức giá khoảng 300.000 đồng. Cộng các khoản chi phí vận chuyển từ cảng về kho, chi phí chiết nạp, nhân công, khấu hao vỏ bình, lợi nhuận DN… một bình gas giao đến tổng đại lý có giá khoảng 390.000 đồng/bình.

 

Từ tổng đại lý đến các cửa hàng bán lẻ, giá tiếp tục bị đẩy lên. Theo báo giá của cửa hàng gas Quang Vinh trên phố Lò Đúc, Petro gas, Totall gas có mức giá hiện tại là 460.000 đồng/bình 12kg, các hãng gas Gia Định, Vinagas, Đại Hải giá sàn là 450.000 đồng/bình. Như vậy, với một bình gas 12kg, đại lý bán lẻ hưởng lợi từ 40.000-70.000 đồng/bình.

 

Ngoài việc phải gánh chịu những đợt tăng giá bất thường, người tiêu dùng còn phải chịu tình trạng tù mù về thương hiệu gas mình đang sử dụng. Anh Nguyễn Đình Thi, ngụ tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên cho biết, gia đình đang sử dụng bình gas màu hồng của Petro Việt Nam. Khi gọi gas, chỉ thấy bình màu hồng là yên tâm sử dụng và không mấy khi kiểm tra thương hiệu. Chỉ đến khi giá gas tăng cao, anh mới để ý bình đang sử dụng có nhãn hiệu SH Petro Gia Định với mức giá chênh lệch với bình gas cùng màu của Petro Việt Nam là 20.000 đồng/bình 12kg.

 

Thanh tra giá bán lẻ gas trên địa bàn Hà Nội

 

Theo quy định, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) là đơn vị có chức năng kiểm soát, đối chiếu giá gas từ khi nhập khẩu vào Việt Nam tới khi đến tay người tiêu dùng thông qua việc thẩm định, rà soát mức giá DN kinh doanh gas đăng ký. Từ đó, cơ quan này sẽ có những quyết định xử lý phù hợp nếu hành vi tăng giá bất hợp lý xảy ra. Tuy nhiên, sau khi giá được đăng ký, việc kiểm soát xem DN bán có đúng giá đăng ký lại thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường thuộc Bộ Công thương.

 

Như vậy, việc quản lý giá gas bán lẻ đang thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Tài chính và Bộ Công thương. Lẽ ra, giá gas phải được quản lý chặt chẽ và minh bạch, song những đợt tăng giá gần đây cho thấy, việc rà soát lại giá gas bán lẻ cần được các ngành chức năng sớm thực hiện để sớm có câu trả lời về việc giá bán có tăng hợp lý hay không.

 

Ngoài việc thanh tra rõ những đợt tăng giá gas gần đây, việc xử phạt nghiêm hành vi tăng giá bất hợp lý cũng cần được thực hiện nghiêm túc. Theo quy định tại Thông tư 122/2010/TT-BTC, DN vi phạm các quy định về giá sẽ bị phạt tối đa 20 triệu đồng/trường hợp (nếu tổng lượng hàng vi phạm trị giá từ 100 triệu đồng trở lên). Trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần, sẽ bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh không thời hạn và bị thu hồi các khoản chênh lệch từ việc tăng giá bất hợp lý.

Trước thông tin giá gas trên địa bàn liên tiếp tăng mạnh, đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết, trong tuần này sẽ tổ chức thanh tra các đại lý bán lẻ gas trên địa bàn. Nội dung thanh tra tập trung vào việc đăng ký, kê khai, niêm yết giá. Mọi sai phạm sẽ được xử lý nghiêm.

 

Theo Hương Ly 

Hà Nội Mới