1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Giá dầu giảm: Không thắt chi tiêu, nợ công sẽ lớn hơn...

Một điều chắc chắn là giá dầu giảm sẽ làm tăng áp lực nợ công vì Chính phủ sẽ phải phát hành thêm trái phiếu hoặc vay nợ...

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
TS Nguyễn Đức Thành - Thành viên Nhóm tư vấn Chính sách cho Thủ tướng Chính phủ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chia sẻ với Đất Việt trong bối cảnh giá dầu thô thế giới liên tục giảm và những hệ lụy tới nguồn thu ngân sách.

Phải thắt chặt chi tiêu

Thời gian gần đây giá dầu trên thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua, tương đương với mức giảm 30% so với trước. Việc giảm giá này khiến nguồn thu ngân sách trong nước bị áp lực bởi hiện ngân sách đang phụ thuộc hơn 10% vào nguồn xuất khẩu dầu thô.

TS Nguyễn Đức Thành phân tích: "Ở cấp vĩ mô với Việt Nam chắc chắn ngân sách sẽ bị hụt thu từ xuất khẩu dầu thô. Khi đó ngân sách giảm và ngay lập tức Chính phủ phải tìm cách bù đắp phần hụt thu cho ngân sách".

Cũng chung quan điểm này, song TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng: Dự toán trong năm 2014 thu 85.200 tỉ đồng chiếm tỉ lệ khoảng 11% trong tổng thu ngân sách.

Do vậy ông Ngân cho rằng: "Việc giá dầu giảm đúng là có ảnh hưởng đến ngân sách nhưng 10 tháng đầu năm 2014 đã vượt thu so với dự toán nên việc giá dầu giảm sẽ không ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu của năm nay".

Còn trong năm 2015 dù giá dầu sẽ còn nhiều biến động, song TS Ngân cũng lạc quan: Việt Nam chi phí nhập xăng về tiêu dùng còn lớn hơn xuất dầu thô do vậy nhìn sâu xa thì ngân sách sẽ được lợi vì giá dầu giảm sẽ giảm chi phí. Khi đó lợi nhuận sẽ cao và thuế thu nhập doanh nghiệp cũng sẽ cao lên.

"Từ đó nguồn thu cho ngân sách lại tăng. Tiêu dùng cũng tăng sẽ góp phần tăng tổng cầu như vậy sẽ có nhiều cái lợi cho nền kinh tế hơn là những gì bị ảnh hưởng", TS Trần Hoàng Ngân nói.

Dù việc tác động thuận cho nền kinh tế là có nhưng đó là câu chuyện lâu dài, còn trước mắt TS Thành cho rằng chắc chắn Chính phủ sẽ phải tìm nguồn tài chính khác để hỗ trợ cho phần hụt thu giá dầu theo kế hoạch. Con số này chắc chắn sẽ là nhiều chục nghìn tỉ.

Như tính toán hiện tại, giá dầu đã giảm khoảng 30 USD/thùng và con số này còn có thể thay đổi. Mỗi thùng dầu giảm 1 USD thì ngân sách mất 1.000 tỷ đồng và như thế  dự tính nếu năm 2015, con số trên dưới 80 USD/thùng thì chúng ta mất 20.000 tỷ đồng.

"Do đó không còn cách nào khác là Chính phủ phải tìm nguồn cung ứng. Một biện pháp khác nữa chắc chắn phải thực hiện đó là cắt giảm chi tiêu.

Ở đây phải thấy rằng khi giá xăng dầu giảm thì cũng sẽ làm giảm các chi phí khác và bản thân Chính phủ cũng phải tiếp tục điều tiết việc chi ngân sách của mình. Bên cạnh đó việc điều hành giá cả cũng phải phản ánh được đúng tình hình để các doanh nghiệp có thể hưởng lợi", ông Thành nói.

TS Ngân thì cho rằng: "Về nguyên tắc tất cả những chi phí đều phải tính toán để giảm theo bởi vì rõ ràng nguồn thu ngân sách giảm thì các khoản khác phải giảm theo. Cái này phải rà lại thì mới là quan trọng".

"Trong bối cảnh nguồn thu giảm như vậy, tôi cho rằng việc tiết chế chi tiêu phải dứt khoát, kỷ luật ngân sách phải nghiêm, tuy nhiên về góc độ này thời gian qua chưa nhìn thấy những hiệu quả tích cực", TS Thành nói.

 
Nếu tính toán và điều hành kịp thời, việc giảm giá xăng dầu sẽ mang lợi cho nền kinh tế

Nếu tính toán và điều hành kịp thời, việc giảm giá xăng dầu sẽ mang lợi cho nền kinh tế

Nếu để nợ công... lên đỉnh, Quốc hội phải quyết

TS Nguyễn Đức Thành khẳng định: "Một điều chắc chắn là giá dầu giảm sẽ làm tăng áp lực nợ công và Chính phủ sẽ phải phát hành thêm trái phiếu hoặc vay nợ và tìm nguồn thu để bù hụt thu ngân sách.

"Cho nên những động thái này rõ ràng sẽ làm tăng nợ công và rất có thể nợ công sẽ tăng thêm tới 1-2% GDP", TS Thành nói.

Theo số liệu báo cáo mới đây nhất thì đến cuối năm 2014, dư nợ công của Chính phủ chiếm 63% GDP và đến cuối năm 2015 dư nợ công của Chính phủ chiếm 64% GDP.

Dù rằng giới chuyên môn cho rằng con số này đã sát trần, song Thủ tướng Chính phủ mới đây khẳng định trước Quốc hội: con số này vẫn nằm trong giới hạn an toàn.

Mới đây một viện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn đề xuất phương án nới mức nợ công lên 68%.

 Về con số 'nới' mức trần nợ công TS Nguyễn Đức Thành cho rằng: không có gì quá bất ngờ bởi nó cũng phản ánh đúng thực tế của mình về dư nợ công hiện nay.

"Thực tế dư nợ công trong những năm qua tăng rất nhanh và sát trần 65% và chắc chắn sẽ còn tăng tiếp trong 1-2 năm tới trước khi Chính phủ kịp cải cách. Tức là khi đó nợ công sẽ lên đến đỉnh.

Do vậy đỉnh điểm của nợ công xuất hiện trong những năm tới thì có thể vượt 65% và trong bối cảnh giá dầu vẫn giảm thì con số tăng hơn thế cũng không quá bất ngờ.Khi đó ngoài việc tiết chế chi tiêu thì cũng không còn cách nào khác để cải thiện nguồn thu. Chính vì thế việc nới room về nợ công cũng rất có thể sẽ phải có", ông Thành nói.

Tuy nhiên TS Trần Hoàng Ngân nhìn nhận khác. Ông cho rằng nợ công đã sát trần nên buộc Chính phủ phải thắt chặt chi tiêu.

"Đây là áp lực đối với Chính phủ và đại biểu Quốc hội phải tăng cường giám sát để đảm bảo thực thi. Việc nâng lên bao nhiêu thì Quốc hội khóa 14 sẽ có trách nhiệm. Hiện Quốc hội khóa 13 đã quyết rồi và mức nợ công 2015 tối đa là 65%.", TS Ngân khẳng định.
 
Theo Bích Ngọc
Đất Việt
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”