1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Giá cả thị trường "dọa" tăng thêm

Mặc dù Chính phủ đã áp dụng hàng loạt biện pháp nhằm kiềm chế đà tăng của giá hàng hóa dịch vụ nhưng dự báo giá sẽ không xuống mà vẫn trong đà... tăng thêm. Theo dự báo, trong tháng 10/2007, chỉ số giá sẽ tiếp tục tăng thêm 0,4%.

Giá sữa cao do "độn" nhiều quảng cáo

Trong tháng 8/2007, một đoàn công tác liên ngành đã đi kiểm tra các doanh nghiệp (DN) ngành sữa, thép... để làm rõ lý do tăng giá.

Về giá sữa, theo ông Vũ Công Chính, cục phó Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, tổ công tác liên ngành gồm Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Tổng cục Thuế đã tiến hành kiểm tra 5 đơn vị: Công ty cổ phần Sữa VN (Vinamilk), Công ty Dutch Lady VN, Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm (NutiFood), Công ty TNHH Dược phẩm 3A - nhà phân phối sữa nhãn hiệu Abbott (Mỹ), Công ty Tiên Tiến - nhà phân phối sữa nhãn hiệu MeadJohnson (Công ty ADC).

Giải pháp có khả thi?

 

Nếu giá sữa tiếp tục tăng, theo Cục Quản lý giá, cục sẽ tiếp tục kiểm tra và trước mắt đã kiến nghị thu hồi những ưu đãi thuế đối với những DN được hưởng giảm thuế nhưng không giảm giá.

 

Theo ông Vũ Công Chính, vì là kinh tế thị trường nên bên cạnh kiểm tra, nếu giá vẫn tăng, cần giảm thuế giá trị gia tăng để giảm giá cho người tiêu dùng, tăng cường kiểm tra việc niêm yết và bán theo giá niêm yết, yêu cầu các DN nên giảm chi phí quản lý, chi phí quảng cáo khuyến mãi.

Kết quả, cả năm đơn vị kinh doanh trên trong năm 2006 và sáu tháng đầu năm 2007 đều kinh doanh có lãi (ở mức 6,6%-10,2% trên giá vốn). Các công ty giải thích việc tăng giá sữa thời gian qua là do giá nguyên liệu hiện đã tăng hơn 100% so với đầu năm.

Theo biên bản kiểm tra của Cục Quản lý giá, giá sữa của năm DN nêu trên được điều chỉnh vào các thời điểm khác nhau nên đã gây tâm lý sữa tăng giá nhiều lần. Thực tế, giá sữa của năm công ty tăng bình quân từ 3,67-11,26%, trong đó công ty có mức tăng thấp nhất là Vinamilk 3,67% và công ty có mức tăng cao nhất là Nutifood 11,26%.

Tuy vậy, Cục Quản lý giá cũng công nhận mặt hàng sữa của hai DN nhập khẩu sữa thành phẩm về bán trong nước chỉ tăng giá một lần, nhưng sữa Enfagrow vanilla do Công ty Tiên Tiến phân phối đã tăng giá tới 30% và sữa Ensure liquid 250ml do Công ty TNHH 3A phân phối đã tăng tới 43% trong lần duy nhất đó.

Nguyên nhân giá sữa cao, theo ông Vũ Công Chính, một phần do chi phí nguyên liệu lớn, chiếm 56-91% giá vốn. Tuy vậy, qua kiểm tra cho thấy một số hãng sữa thời gian qua có chi phí quảng cáo, chi phí bán hàng, hoa hồng, khuyến mãi khá cao.

Chi phí quảng cáo của Công ty Dutch Lady tới 19,2%, Công ty Vinamilk là 12,9% - cao hơn mức khống chế chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN (chi phí quảng cáo khuyến mãi cho phép ở mức 10%).

Thép: giảm 55.000 - 75.000 đồng/tấn

Với mặt hàng thép, theo kết luận kiểm tra, giá thép xây dựng tăng cao chủ yếu do giá phôi thép và giá thép phế liệu nhập khẩu tăng mạnh, nhưng DN vẫn có thể giảm giá bán nếu sắp xếp chi phí hợp lý.

Theo đó, sáu tháng đầu năm 2007, với Công ty gang thép Thái Nguyên, Thép miền Nam, Công ty cổ phần thép Đình Vũ, cùng hai công ty liên doanh là Vina Kyoei và Vinausteel đều có giá phôi thép nhập khẩu tăng 10-19%, thép phế liệu tăng 14-15%.

Với khoản tăng này cộng thêm một số nguyên vật liệu khác cũng tăng đã đẩy giá thành sản xuất thép tăng cao. Tuy nhiên, giá thép có thể không tăng quá nhanh nếu DN tính toán lại các chi phí như tiêu thụ sản phẩm, điện, tiêu hao nhiên liệu. Mức giảm này trung bình từ 54.464-75.122 đồng/tấn thép.

Có thể tăng tiếp?

Về tác động của giảm thuế nhập khẩu đối với giá sữa, theo kết quả kiểm tra là... không cao. "Như Vinamilk do có sử dụng nguyên liệu trong nước nên tác động giảm thuế không lớn".

Với Nutifood, việc giảm thuế cũng không có tác động nhiều bởi công ty này... không trực tiếp nhập khẩu. Sản phẩm sữa MeadJohnson sắp tới cũng khó lòng giảm giá nhờ giảm thuế do sản phẩm này, theo giải thích của nhà nhập khẩu "được sản xuất trong khối ASEAN nên đã được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi rồi".

Nhà phân phối sữa nhãn hiệu Abbott (Mỹ) có được giảm thuế nhập khẩu tới 50%, nhưng DN này cũng chỉ mới giảm sáu mặt hàng ở mức - 8% và hai mặt hàng ở mức - 4%.

Tuy vậy, theo ông Vũ Công Chính, việc kiểm tra giá sữa đã có tác dụng rất tích cực bởi 100% các công ty kiểm tra đều đã có kế hoạch tăng giá trong quí 4. Tuy nhiên sau khi được kiểm tra, các công ty này đều có kế hoạch giảm lãi trong sáu tháng cuối năm 2007 và sẽ cố gắng giữ nguyên giá trong dịp cuối năm.

Vinamilk dự kiến giảm lợi nhuận từ 11,8% xuống 6,9%; Dutch Lady giảm từ 20% xuống 6%. Các DN phân phối sữa cũng sẽ "thuyết phục các nhà xuất khẩu không tăng giá bán trong thời điểm từ nay đến cuối năm 2007".

Tuy nhiên, các DN đều cho rằng trong điều kiện giá nguyên liệu tiếp tục tăng, việc tăng giá là bất khả kháng để không bị lỗ.

Theo Cầm Văn Kình - Trần Vũ Nghi
Báo Tuổi trẻ