1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

GDP 2009 khả quan trong nỗi lo mặt bằng giá

(Dân trí) - Bên cạnh dấu hiệu khả quan về tốc độ tăng trưởng GDP 2009 ước đạt 5 - 5,2% (vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra) thì nguy cơ mặt bằng giá tăng đang hiện hữu nếu chúng ta không có những biện pháp điều hành linh hoạt về tài chính, tiền tệ…

GDP 2009 khả quan trong nỗi lo mặt bằng giá - 1
Giá trị tăng thêm trong năm 2009 của ngành xây dựng dự kiến khoảng 11,8 - 12%.
 
Ngành xây dựng có triển vọng
 
Theo dự báo mới nhất của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2009 sẽ giảm 1,4%. Khu vực các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 1,5%, riêng Trung Quốc sẽ đạt 7,5%.
 
Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cũng có dự báo xu hướng phục hồi kinh tế thế giới tương tự như dự báo của IMF. Theo tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thương mại toàn cầu năm 2009 có thể giảm tới 10%. Nguồn vốn FDI năm nay có thể giảm một nửa so với năm trước.
 
Trước tình hình đó và căn cứ vào thực tế của nền kinh tế trong nước, Bộ KH-ĐT dự báo tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2009 đạt khoảng 5 - 5,2%, vượt chỉ tiêu điều chỉnh mà Quốc hội đã thông qua (5%).
 
Đáng chú ý, trong ngành sản xuất công nghiệp và xây dựng, nếu như giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp ước đạt khoảng 2,8 - 3% thì ngành xây dựng khởi sắc hơn nhiều, khoảng 11,8 - 12%. Đây là kết quả của việc thị trường BĐS có sự phục hồi, cùng với việc bổ sung thêm nhiều nguồn vốn thực hiện các dự án đầu tư từ giải pháp kích cầu của Chính phủ…
 
Nếu so sánh với khu vực công nghiệp thì khu vực dịch vụ chịu tác động ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới ở mức độ thấp hơn. Dự báo cả năm 2009, tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm có thể đạt 6,4 - 6,6%. Du lịch nội địa đạt tốc độ tăng trưởng cao (tăng 18% so với năm 2008) trong khi lượng khách du lịch quốc tế giảm.
 
Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản do chịu sự tác động lớn từ nền kinh tế thế giới nên giá trị tăng thêm ước đạt chỉ 2,6 - 2,8%. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2009 dự kiến cũng chỉ khoảng 61 tỷ USD, giảm 2,7% so với năm 2008. Trong đó, riêng yếu tố giảm giá làm kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 5 - 6 tỷ USD.
 
Nguy cơ tăng mặt bằng giá
 
Hiện nay, kinh tế thế giới đang trong tình trạng suy thoái sâu và giá cả biến động ở mức thấp. Nhưng theo nhận định của các chuyên gia, những diễn biến cải thiện tình hình kinh tế thế giới sau khi Chính phủ các nước đã chi ra các khoản tài chính khổng lồ để kích thích nền kinh tế và việc thực hiện các chính sách kích cầu đầu tư và tiêu dùng… sẽ tác động đến giá cả.
 
Giá dầu thô đã lên khoảng 70 USD/thùng, cao gấp hơn 2 lần mức giá thấp nhất trong Quý I. Tình hình phục hồi, giá cả thế giới tăng và các yếu tố tăng tổng cầu có khả năng thanh toán… sẽ ảnh hưởng đến giá cả trong nước. Dự báo chỉ số giá tiêu dùng năm 2009, có thể tăng khoảng 7%.
 
Bộ KHĐT cho biết, với tình hình tăng trưởng tiền tệ, tín dụng khá cao trong 7 tháng đầu năm, nếu không chủ động có các biện pháp quản lý phù hợp sẽ có tác động làm tăng mặt bằng giá cuối năm 2009 và năm sau.
 
Do đó, bộ này đề xuất Chính phủ cần có sự điều hành linh hoạt chính sách tài chính, tiền tệ, các các giải pháp kịp thời nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa tái lạm phát.
 
Thực hiện chi NSNN theo mức bội chi NSNN điều chỉnh (không quá 7% GDP) đã được Quốc hội thông qua với tinh thần chi tiêu đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả; các tỉnh, thành triển khai các biện pháp tăng thu, chống thất thu, kiên quyết thu hồi nợ đọng để bù đắp số giảm thu…
 
Về chính sách tiền tệ và tín dụng, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ lãi suất 4% cho các tổ chức, cá nhân vay vốn lưu động để sản xuất, kinh doanh với thời hạn 8 tháng, cho các đối tượng vay vốn tín dụng để đầu tư với thời hạn 2 năm; hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước và tín dụng chính sách xã hội.
 
Đồng thời giảm các điều kiện được bảo lãnh tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đi đôi với việc cải cách các thủ tục xét, duyệt đối với các đối tượng này…
 
Lan Hương