1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Gần 200.000 tỷ đồng nâng cấp đường sắt Thống nhất Bắc - Nam

(Dân trí) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt kế hoạch phát triển TCty đường sắt Việt Nam giai đoạn 2012-2015. Kế hoạch dành ưu tiên hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Thống nhất có tốc độ tối đa 120km/h với tàu khách.

Theo kế hoạch, TCty đường sắt Việt Nam sẽ thực hiện tái cơ cấu theo hướng thu gọn đầu mối; sắp xếp hợp lý các đơn vị trực thuộc bảo đảm hiệu quả, bảo toàn và phát triển nguồn vốn nhà nước, thu hút tối đa mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và phương tiện vận tải đường sắt.

Mục tiêu phát triển của ngành, phấn đấu đến năm 2015, lượng luân chuyển hàng hóa đạt 27.424 triệu tấn.km, lượng luân chuyển hành khách đạt 27.774 triệu hành khách.km; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10%/năm trở lên.
 
Tàu khách Thống nhất sẽ đạt tốc độ tối đa 120km/h.
Tàu khách Thống nhất sẽ đạt tốc độ tối đa 120km/h.

Về hạ tầng kết cấu đường sắt, đơn vị sẽ tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đạt tiêu chuẩn đường sắt quốc gia cấp I, ưu tiên hoàn thành cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Thống nhất tốc độ kỹ thuật tối đa 120 km/h với tàu khách và 80 km/h với tàu hàng và tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng nhằm nâng cao năng lực vận tải và an toàn tàu chạy tàu.

Bên cạnh đó, ngành cũng phải hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh, đường sắt tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Đồng Đăng; khi điều kiện cho phép thì triển khai một số đoạn, tuyến được lựa chọn. Việc hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu trên tuyến đường sắt quốc gia cũng được hoàn hiện.

Thủ tướng chỉ đạo TCty làm tổng thầu, liên doanh, kiên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để làm tổng thầu thực hiện các dự án xây dựng mới đường sắt đô thị tại các thành phố lớn.

Tại Hà Nội sẽ triển khai thực hiện và đưa vào khai thác từng phần tiến tới toàn bộ tuyến đường sắt đô thị số 1, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Nội Bài. Ga Hà Nội dự kiến được xây dựng thành thành ga trung tâm của đường sắt vừa là đầu mối trung chuyển, kết nối các loại phương tiện vận tải, vừa là trung tâm dịch vụ đa năng. Tại TPHCM,  đường sắt trên cao Trảng Bom - Hòa Hưng cũng được tập trung đầu tư.

Giai đoạn tới, đơn vị cũng tập trung đầu tư bảo đảm trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt; ưu tiên thực hiện giai đoạn 2 của kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt; hoàn thành các dự án tách cầu chung giữa đường sắt, đường bộ; triển khai đầu tư xây dựng hầm chui đèo Khe Nét.

Quyết định của Thủ tướng cũng nêu yêu cầu đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ trực tiếp cho vận tải đường sắt như hệ thống nhà ga, kho, bãi hàng... nhằm phát triển mạnh sản xuất, tạo điều kiện phát triển vững chắc cho toàn ngành.

Đến năm 2015, lượng vận tải hàng hóa dự kiến đạt 13,7 triệu tấn/năm, vận chuyển hành khách đạt 17,7 triệu lượt hành khách/năm.

Tổng vốn đầu tư cho đường sắt giai đoạn này dự kiến khoảng 199.598 tỷ đồng.

P.Thảo