1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Facebook trả lương cho một nhóm nhân viên chỉ để... ngồi chơi xơi nước

Hạnh Vũ

(Dân trí) - "Không ít người chỉ đến chấm công và sau đó không làm gì suốt cả ngày", Britney Levy, cựu nhân viên Meta, cho biết.

Britney Levy là một nhân viên của Meta (công ty mẹ của Facebook) bị mất việc trong đợt công ty sa thải đầu tiên vào tháng 11 năm ngoái. Cô hé lộ những tin đồn về việc gã khổng lồ mạng xã hội trả lương cho nhân viên để… không làm gì, là có thật.

"Tôi là một trong những nhân viên được thuê vào một vị trí thực sự kỳ lạ, nơi họ ngay lập tức xếp tôi vào nhóm những người không phải làm việc. Chúng tôi phải đấu tranh để được làm việc", Levy chia sẻ trong một video đăng trên TikTok cách đây không lâu.

Trong video có khoảng 900.000 lượt xem, Levy cho biết cô cảm thấy Meta tuyển những người như cô chỉ để các công ty đối thủ không thể có được họ. "Họ tuyển chúng tôi như để cho đủ bộ sưu tập thẻ bài Pokémon vậy", cô nói.

Theo Business Insider, Levy từng thuộc chương trình giúp đỡ những lao động công nghệ có hoàn cảnh khó khăn kéo dài hàng năm trời của Meta. Tuy nhiên, cô đã bị sa thải sau 7 tháng làm việc. Cựu nhân viên cho biết cô có thể thoải mái nói về công ty cũ vì đã không ký vào thỏa thuận bảo mật thông tin khi thôi việc.

Facebook trả lương cho một nhóm nhân viên chỉ để... ngồi chơi xơi nước - 1

Britney Levy chia sẻ về việc không có gì để làm tại Meta (Ảnh: TikTok).

Hiện người đại diện của Meta chưa phản hồi các yêu cầu bình luận liên quan đến vấn đề này.

Ngày 14/3 vừa qua, CEO Mark Zuckerberg tuyên bố Meta sẽ sa thải thêm 10.000 nhân viên sau khi cắt giảm 13% lực lượng lao động vào tháng 11 năm ngoái. Đây là lần sa thải nhân sự lớn thứ hai của "ông lớn" công nghệ này chỉ trong 6 tháng qua trong bối cảnh công ty buộc phải cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả.

Trước đó, CEO 38 tuổi đã nhấn mạnh mục tiêu của Meta là biến 2023 thành "năm hiệu quả". Điều đó đồng nghĩa với việc cắt giảm nhân sự hàng loạt cùng các phúc lợi của nhân viên. Từ đầu năm, Meta đã bắt đầu quá trình tái cấu trúc nội bộ, loại bỏ một số quản lý cấp trung đồng thời đẩy một số quản lý khác xuống các vị trí thấp hơn.

Với tư cách là thành viên của chương trình phát triển nguồn lực của Meta, Levy cho biết cô đã nói chuyện với nhiều người trong tổ chức và nhận thấy nhiều người tỏ ra bất an vì có quá ít việc để làm trong khi những người khác có xu hướng giữ việc cho bản thân vì lo ngại đợt cắt giảm nhân sự mới.

Levy nói: "Rất nhiều người cho rằng họ bị sắp đặt để trở thành những người bị sa thải. Những người có trình độ cực kỳ tốt và đã từ chối những cơ hội tuyệt vời khác cho biết họ cảm thấy Meta đang cố tình cản trở sự nghiệp của họ".

Về phần mình, Levy nói rằng cô phải đối mặt với một số rào cản trong công việc, bao gồm việc phải vật lộn để xin phép cấp trên liên hệ với các ứng viên trong khi đây là trách nhiệm của cô. Thay vì ngồi một chỗ và không làm gì, Levy đã tận dụng cơ hội để tìm hiểu các chính sách của công ty và tiếp cận với những nhân viên khác để hỏi về trải nghiệm của họ tại đây.

"Tôi có thể nghỉ một ngày và không ai biết cũng như quan tâm. Tôi nghĩ có không ít người chỉ đến chấm công và sau đó không làm gì suốt cả ngày", Levy nói thêm.

Mặc dù được trả lương để hầu như không làm gì có vẻ là công việc mơ ước đối với một số người nhưng theo Levy, rất ít người ở Meta cảm thấy hạnh phúc trong hoàn cảnh đó.

"Công việc này không giúp tôi phát triển trong công việc. Tôi sẽ chẳng có gì để ghi vào CV của mình khi ứng tuyển vào nơi khác", Levy giãi bày.

Ngày 13/3, tỷ phú Thomas Siebel đã bày tỏ quan điểm rằng những công ty như Google hay Meta đang thuê quá nhiều người dù họ chẳng có nhiều việc để làm đến vậy.

Keith Rabois - cựu thành viên của nhóm "Paypal Mafia" cũng có chung quan điểm khi nói rằng Meta và Google đã tuyển dụng hàng nghìn lao động mà chẳng làm gì cả. Nhận xét này đã thu hút được sự chú ý khá lớn từ các nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon.