1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Bạc Liêu:

Được giá, diêm dân đổ xô làm muối

(Dân trí) - Nhiều hộ dân đang san lấp ao nuôi tôm để quay trở lại làm muối. Lần đầu tiên diêm dân có lãi khá từ những cánh đồng muối khi giá muối ở các tỉnh ĐBSCL tăng cao kỷ lục.

Muối mặn đang ngọt lòng diêm dân

Theo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, hiện giá muối đen đã lên đến 1.300 đồng/kg, muối trắng ở mức 3.600 đồng/kg (cao gấp 10 lần so với năm 2007) và muối đang hút hàng.

Giá muối tăng do nguồn cung thiếu (bỏ đồng muối để đào ao nuôi tôm) và nhu cầu tiêu thụ mạnh. Hơn nữa niên vụ 2007 thời tiết bất thường nên năng suất muối bị giảm mạnh, chỉ đạt 39 tấn/ha trong khi đó năm 2006 đạt 50 tấn/ha.

Nhiều hộ dân chuyên làm muối cho biết, với năng suất 40 - 41 tấn/ha cộng với giá bán cao như hiện nay, bình quân mỗi ha muối diêm dân thu nhập khoảng 33 đến 35 triệu đồng, trừ các chi phí thu lợi nhuận từ 18 đến 20 triệu đồng/ha.

Tháng 3/2008, Tổng Công ty muối Bạc Liêu đã xuất lô hàng 200 tấn muối xay chất lượng cao sang thị trường Nhật Bản mở ra khả năng tăng xuất khẩu muối sang thị trường khó tính này 1.000 tấn/năm.

Đây là năm đầu tiên diêm dân Bạc Liêu sản xuất muối không đủ bán và thu lãi khá. Theo kế hoạch năm 2008, Bạc Liêu có hơn 2.000 ha sản xuất muối với sản lượng khoảng 100.000 tấn.

Lời cảnh báo

Trên những cánh đồng muối của huyện Đông Hải (Bạc Liêu) những ngày đầu tháng năm này bỗng trở nên tất bật, nhộn nhịp và vui như ngày hội. Từng đống muối cao ngất được vun vén cẩn thận, từng đoàn thương lái nườm nượp kéo nhau đển hỏi mua.

Mới tờ mờ sáng ông Lê Văn Hoà ở xã Long Điền Tây đã ra ngắm đồng muối đang có giá của mình. Là diêm dân cố cựu của xã, theo ông Hoà chưa bao giờ muối trúng giá như vậy.

“Thật bất ngờ vì thương lái tìm mua với giá cao như vậy chứ người dân có biết giá thị trường thế nào đâu! Nếu thời tiết cứ nắng gió đều đều thì trong năm nay mọi người sẽ chuyển từ nuôi tôm sang làm muối hết” - ông Hòa khẳng định chắc nịch với PV Dân trí.

Người làm muối ở Bạc Liêu từng một thời điêu đứng, thua lỗ vì giá muối quá rẻ mạt do không có thị trường tiêu thụ. Khi đó họ đã bỏ sân muối để đào ao nuôi tôm và chi phí “chuyển đổi” này là không hề nhỏ (hiện nhiều người vẫn còn nợ Ngân hàng hàng trăm triệu đồng). Nay muối “lên ngôi” họ lại lấp ao tôm chuyển về làm muối với chi phí đào lấp thêm một lần nữa tốn kém.

Liệu giá muối cao ngất ngưởng như hiện nay sẽ giữ được bao lâu? Và cái vòng luẩn quẩn tôm - muối sẽ khiến diêm dân lao đao đến bao giờ vì những cuộc chuyển đổi tự phát.

Phạm Tâm - Huỳnh Hải