1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Doanh nhân với “triết lý ốc vít”

(Dân trí) - “Bạn hãy nhìn đường ren của chiếc ốc vít, nó có tâm. Những ngôi sao chạy theo hình xoắn ốc, tâm là chữ H2 (tên của công ty) với ý nghĩa: H2 sẽ là tâm hội tụ sức mạnh, hội tụ sự đoàn kết...” – Phó Giám đốc Công ty Phát triển Thương mại và Đầu tư H2 Phạm Trung Hiếu nói về logo công ty do chính anh thiết kế.

H2 = Hiếu + Hùng

Hiền lành, ít nói, Hiếu cũng không có thành tích gì nổi bật trong suốt những năm học tại Đại học Ngoại Thương (Hà Nội). Chàng sinh viên sinh năm 1980 đến từ Thanh Chương, một tỉnh miền núi của tỉnh Nghệ An, đã cặm cụi đi làm thêm ngay từ năm thứ nhất để đỡ gánh nặng cho gia đình.

Có lẽ thời gian đi làm nhiều, năm thứ 2, Hiếu giật mình thấy vốn tiếng Anh kém quá, lò dò ra Bờ Hồ “kiếm Tây” để nói chuyện, cải thiện trình độ nghe nói của mình. Hiếu ngồi giữa, hai cô bạn nước ngoài xinh đẹp mới quen hai bên nói chuyện rất vui vẻ, đến khi ngoảnh lại đằng sau thì... Ôi thôi, chiếc xe đạp đã không cánh mà bay!

Bốn năm đi làm thêm tại nhiều công ty lớn đã cho Hiếu không chỉ một khoản tiền trang trải cho việc học tập và sinh hoạt tại Hà Nội đắt đỏ. Vốn liếng quan trọng nhất mà Hiếu thu được chính là cái nhìn chân thực về thị trường và kinh nghiệm kinh doanh từ cọ xát thực tế.

Khởi nghiệp cùng ốc vít

Tháng 4/2004, Hiếu gặp Hùng, hai người trẻ ham mê kinh doanh đã quyết tâm biến ý tưởng thành hiện thực. Và H2 – chữ đầu của hai “sáng lập viên” -  ra đời với số vốn ít ỏi 30 triệu đồng do hai cậu... đi vay.

Đi qua các nước, Hiếu càng thấy rõ người Việt Nam mình nhận thức rất sai lầm về thương hiệu. Cậu đã đến một xưởng sản xuất khoảng 10 héc-ta ở Trung Quốc. Tại đó, người Trung Quốc sản xuất các mặt hàng mang tất cả các thương hiệu nổi tiếng hoàn toàn không phải của Trung Quốc như Toshiba, Phillip, National...

Cùng sản xuất tại một nơi, cùng dây chuyền công nghệ, nhưng chúng được bán chênh nhau tới vài trăm ngàn đồng. Hiếu rút ra kết luận: chính thương hiệu quyết định giá cả!

Dân học Quản trị Kinh doanh chính quy như Hiếu thường ít nhiều mắc bệnh “sách vở”. Họ đọc rất nhiều các sách về kinh doanh, có rất nhiều ý tưởng hay nhưng ít tính thực tế. Hiếu đã ấp ủ “ước mơ lớn” là xây dựng được những sản phẩm mang thương hiệu riêng của mình cũng chính là do đọc sách.

Cậu rất ấn tượng với câu chuyện về ông chủ thương hiệu Sony: khi sang Mỹ, ông kiên quyết không sản xuất hàng dưới thương hiệu Mỹ mà chỉ sản xuất sản phẩm mang thương hiệu Sony để bán tại thị trường Mỹ. Việc làm này của ông góp phần vào danh tiếng vững chắc của Sony hiện nay.

Làm thế nào để một chàng trai ngoại tỉnh khởi nghiệp chỉ với 30 triệu đi vay đã khó, để xây dựng thương hiệu riêng lại càng nan giải. Kinh doanh ô tô ư? Lãi có thể cao đấy nhưng không đủ vốn. Ti- vi, tủ lạnh... thì làm sao cạnh tranh được với những “đại gia” Panasonic, Toshiba...?

Từ kinh nghiệm làm thêm, từ các chuyến đi khảo sát, Hiếu chọn mặt hàng giá rẻ mà người tiêu dùng quan tâm đến sự tiện dụng và chất lượng hơn là đến thương hiệu: ốc vít!

Mặt hàng nhỏ bé này là điểm khởi đầu cho tham vọng lớn của Hiếu: Thương hiệu H2 đi từ những sản phẩm có giá trị thấp nhưng chất lượng tốt. Qua thời gian sử dụng, người tiêu dùng sẽ tạo dựng niềm tin tưởng ở H2. Khi đó, H2 sẽ bắt tay vào những sản phẩm có giá trị lớn hơn, thương hiệu được mở rộng một cách vững chắc.

Lời giải vốn và công nghệ

Bạn đừng ngạc nhiên nếu thấy những sản phẩm mang thương hiệu hoàn toàn Việt Nam H2 lại mang dòng chữ “Made in Malaysia” “Made in China” “Made in India” (Sản xuất tại Malaysia, Trung Quốc, ấn Độ). H2 có xưởng sản xuất đặt tại các nước này? Không hẳn vậy.

H2 đã thuyết phục được các nhà sản xuất lớn có dây chuyền công nghệ hiện đại tại các nước này sản xuất cho thương hiệu của mình. Nhờ đó, không cần một số vốn khổng lồ đầu tư vào sản xuất, H2 vẫn có những sản phẩm có chất lượng đảm bảo và giá cả phù hợp. Lời giải thông minh cho bài toán vốn và công nghệ đạt được không dễ dàng gì. Để thuyết phục những nhà sản xuất lớn ấy, H2 non trẻ, tiền ít, uy tín chưa, chỉ có lòng nhiệt tình cháy bỏng.

Đến nay, mới hơn 1 năm thành lập, Hiếu và H2 đang tiến từng bước vững chắc vào thị trường với các sản phẩm như: máy bơm, đồ điện dân dụng, ốc vít bu lông, vật tư ngành nước, vật tư ngành xây dựng.

Trong phác thảo của Hiếu, năm 2008 H2 sẽ chiếm lĩnh 20% thị trường trong nước, năm 2010 sẽ đạt 30%, mở xưởng sản xuất lớn tại Việt Nam phục vụ trong nước và xuất khẩu. Đến cửa hàng tại 371 Đê La Thành và 53 Khâm Thiên, người tiêu dùng sẽ thấy những sản phẩm rất mới mẻ mang thương hiệu H2 như bàn là phun nước kích thước nhỏ rất tiện dụng khi du lịch, bàn chải đánh răng tự động chải đều và có tia sát khuẩn...

Hiếu cũng giải thích thêm về cái tên H2: Chúng tôi không phải là người đầu tiên, nhưng chúng tôi cam kết sẽ là người thứ 2 xứng đáng!

Lan Phương