1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Doanh nghiệp “chấm điểm” địa phương: Cùng nhau thụt lùi!

(Dân trí) - Trong khi Đồng Tháp, An Giang, Lào Cai dẫn đầu trong bảng xếp hạng PCI 2012 thì Bình Dương, Đà Nẵng lùi sâu thứ hạng. Không tỉnh nào được ghi nhận về "điều hành xuất sắc" trong năm qua.

Lễ công bố chỉ số PCI 2012 - Ảnh: Bích Diệp.
Lễ công bố chỉ số PCI 2012 - Ảnh: Bích Diệp.

Sáng 14/03, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) chính thức công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2012 – “phong vũ biểu” đánh giá chất lượng điều hành kinh tế để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó trưởng ban phụ trách, Ban Pháp chế VCCI cho biết, điểm đáng lưu ý trong xếp hạng PCI năm nay đó là diện “xuất sắc” vắng bóng các “ngôi sao”. Theo đó, lần đầu tiên, không có địa phương nào được xếp hạng “rất tốt” (65 điểm) trong thang điểm PCI năm 2012.

Trong những năm trước đây, số tỉnh đạt thành tích “rất tốt” từng lên tới 8 địa phương. Năm ngoái, danh sách các “ngôi sao” có chất lượng điều hành “rất tốt” là Lào Cai, Bắc Ninh, Long An, Đồng Tháp, Đà Nẵng và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Giữa lúc đó, số tỉnh tụt xuống hạng “tương đối thấp” lại lên tới 3 tỉnh trong khi năm ngoái chỉ có 1 tỉnh.

Kết quả xếp hạng gây bất ngờ với quán quân là Đồng Tháp, tiếp theo là An Giang và Lào Cai – tỉnh đứng đầu năm ngoái.

Một lần nữa Long An và Bắc Ninh đều nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. Bình Định và Vĩnh Long dù tụt hạng trong năm 2011 nhưng năm nay đã lấy lại được phong độ của những năm trước.

Mặt khác, điểm số của các tỉnh luôn dẫn đầu như Bình Dương và Đà Nẵng lại giảm rõ rệt. Thậm chí, Bình Dương còn không lọt vào nhóm có thứ hạng cao, tiếp tục đà suy giảm đã thấy từ các năm trước.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, sự sụt giảm niềm tin của doanh nghiệp ở Bình Dương và Đà Nẵng chắc chắn gắn liên với suy thoái kinh tế chung của Việt Nam. Đây là hai địa phương đóng vai trò mũi nhọn trong thời kỳ phát triển trước đây, do đó, nhiều doanh nghiệp tại đây chịu tác động không nhỏ của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Trong thời kỳ tăng trưởng nhanh, doanh nghiệp sẵn sang bỏ qua các bất cập trong quy định, chính sách địa phương, song giờ đây, khi phải chật vật để duy trì hoạt động, doanh nghiệp trở nên tiêu cực hơn trong đánh giá.

Tuy nhiên, thông qua khảo sát, kết quả điều tra cũng cho thấy một số tín hiệu tích cực ở cả 2 địa phương, đó là doanh nghiệp tại đây hầu như không cho rằng doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp thân quen được ưu ái. “Điều này làm tăng khả năng trở lại thứ hạng cao của hai tỉnh, khi kinh tế phục hồi” – nhóm nghiên cứu nhìn nhận.

 Bích Diệp