1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Đo độ “khủng” của kinh tế Trung Quốc

(Dân trí) - Trung Quốc giờ đã là nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới và tiếp tục tăng trưởng là chuyện mà ai cũng đã biết. Nhưng không phải ai cũng biết rõ độ “khủng” của nền kinh tế này tới đâu.

Thành phố Thượng Hải của Trung Quốc.
Thành phố Thượng Hải của Trung Quốc.

Tạp chí Forbes cho biết, GDP cả năm của Trung Quốc hiện ở mức khoảng 7,5 nghìn tỷ USD, so với mức 15 nghìn tỷ USD của Mỹ. Nhưng khoảng cách này đang thu hẹp nhanh chóng khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cao hơn nhiều so với Mỹ.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) mới đây đưa ra dự báo rằng, nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trong vòng 3 năm tới. Điều này có nghĩa là cho tới khi Tổng thống Mỹ Barack Obama kết thúc nhiệm kỳ, người kế nhiệm ông sẽ là Tổng thống Mỹ đầu tiên kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2 không còn lãnh đạo nền kinh tế hùng mạnh nhất hành tinh. Hầu hết các dự báo đều cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc sẽ “qua mặt” Mỹ về quy mô trước năm 2020.

Năm ngoái, Trung Quốc đã vượt Đức và Mỹ trở thành quốc gia có số lượng người đi du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới. Ngày càng có nhiều người Trung Quốc thuộc tầng lớp trung lưu ra nước ngoài du lịch. Họ đi sắm hàng hiệu ở châu Âu, tới thăm khu giải trí Disney World ở Mỹ.

Theo số liệu của Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên hiệp quốc (UNWTO), du khách Trung Quốc đã chi tổng cộng hơn 102 tỷ USD trong năm 2012, từ mức chi 73 tỷ USD trong năm 2011. Sự tăng trưởng chi tiêu này diễn ra bất chấp nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu và sự chuyển biến trong chính sách kinh tế trong nước của Trung Quốc.

Trên thực tế, Trung Quốc không cần tới tốc độ tăng trưởng 10% để đạt tới sự “khủng”. Tốc độ tăng trưởng 7,5% đã là đủ đối với quốc gia này.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng phải đối mặt với rất nhiều vấn đề trong quá trình phát triển kinh tế. Ô nhiễm không khí ở Trung Quốc vào hàng tệ nhất thế giới. Hiện nước này còn đang chống chọi với dịch cúm gia cầm đã khiến vài người thiệt mạng. Hồi tháng 3, trên 16.000 con lợn chết bị thả trôi sông ở Thượng Hải khiến dư luận trong nước và quốc tế xôn xao.

Ở Trung Quốc, lời cảnh báo “Đừng uống nước ở đây” cần phải được lưu ý đặc biệt. Theo quỹ bảo tồn thiên nhiên hoang dã World Wildlife Fund (WWF), sau nhiều thập kỷ các nhà máy và đô thị xả rác, không ít dòng sông của Trung Quốc đã biến thành những dòng cống ô nhiễm nặng. Khoảng 40% lượng nước trong hệ thống sông ở Trung Quốc không đủ chuẩn để con người sử dụng.

Tính ra, tuần nào Trung Quốc cũng xây thêm một trạm phát điện chạy bằng than mới. Theo dự báo, nước này sẽ trở thành quốc gia có lượng khí thải carbon-dioxide lớn nhất thế giới trước năm 2030. Ô nhiễm không khí, nguồn nước, cùng bất bình đẳng thu nhập đang trở thành những vấn đề nghiêm trọng đối với Trung

Đó chính là “tác dụng phụ” của quá trình tăng trưởng quá nhanh chóng và đạt quy mô khổng lồ của nền kinh tế Trung Quốc trong hơn 10 năm qua.

Một nghiên cứu mới nhất cho thấy, Trung Quốc đã vượt xa các đối thủ khác trên thế giới trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Nước này đạt giá trị sản lượng công nghiệp hàng năm 2,9 nghìn tỷ USD trong ngành sản xuất, so với mức chỉ 2,43 nghìn tỷ USD của quốc gia xếp thứ nhì là Mỹ.

Trong vòng 2 năm qua, ngành sản xuất công nghiệp của Trung Quốc liên tục tăng mạnh, trong khi lĩnh vực này ở Mỹ phải dựa vào sự hỗ trợ từ chính sách bơm tiền của Cục Dự trữ Liên bang (FED).

 “Năm 2011, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 23%, so với mức tăng 2,8% ở Mỹ”, chuyên gia Mark Perry thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ cho biết. “Vì thế, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong năm ngoái tăng lên hơn 2,9 nghìn tỷ USD, nhiền hơn khoảng 500 tỷ USD (20%) so với mức sản lượng 2,43 nghìn tỷ USD so với sản lượng công nghiệp của nước Mỹ”.

Theo số liệu từ FED, năm 2012, tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Mỹ giảm tốc còn 1,7%. Đúng là ngành sản xuất công nghiệp của Mỹ vẫn tăng trưởng, nhưng ngành này của Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ lớn gấp bội.

Trung Quốc là động lực tăng trưởng ở châu Á. Còn tại Mỹ, hàng “Made in China” (“Sản xuất tại Trung Quốc”) thúc đẩy văn hóa tiêu dùng bình dân. Người Mỹ dù mua một đôi giày, một chiếc áo phông, một bộ bàn ghế, hay một con búp bê Barbie, thì trên sản phẩm đều có thể gắn mác “Made in China”. Cho dù ngành sản xuất công nghiệp của Mỹ có khởi sắc, thì cũng khó lòng mà vượt lên được Trung Quốc.

Tháng 2 vừa qua, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ tăng 22%, trong đó chủ yếu là hàng Trung Quốc. Số liệu thống kê cho thấy, nước Mỹ đã nhập 32,7 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc trong tháng 2, đưa Trung Quốc một lần nữa trở thành thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Mỹ. Thị trường nhập khẩu lớn thứ nhì của Mỹ hiện là Canada, với kim ngạch nhập vào Mỹ từ Canada trong tháng 2 là 25,7 tỷ USD, nhưng chủ yếu là nhập dầu.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Mỹ, sau Canada và Mexico -hai đối tác của Mỹ trong Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) - thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng lớn.

Năm 2012, Mỹ ghi nhận mức thâm hụt thương mại lớn kỷ lục với Trung Quốc, lên tới 315 tỷ USD, phá vỡ kỷ lục cũ 295 tỷ USD thiết lập vào năm 2011, và mức kỷ lục cũ hơn 273 tỷ USD vào năm 2010. Đúng là Trung Quốc đang liên tục phá kỷ lục.

Bất chấp những thách thức về môi trường và an toàn lao động, ngành sản xuất công nghiệp của Trung Quốc vẫn duy trì tốc độ phát triển bùng nổ. Trung Quốc đang vượt ra khỏi những ngành sản xuất truyền thống và tiến vào những lĩnh vực mới, có giá trị gia tăng lớn hơn và công nghệ hiện đại hơn.

Theo số liệu của hãng tư vấn về kiểm soát chất lượng AsiaInspection có trụ sở ở Hồng Kông, tốc độ tăng trưởng sản xuất trong ngành công nghiệp thực phẩm của Trung Quốc hiện ở mức 212%/năm, tiếp theo là mức tăng 42% trong ngành sản xuất hàng cơ khí và 36% trong lĩnh vực sản phẩm làm đẹp và chăm sóc da. Những con số tăng trưởng như thế này là “hiếm có khó tìm” ở bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, thậm chí là ở Ấn Độ, nước đông dân ngang ngửa với Trung Quốc.

Thực tế cho thấy, xu hướng thuê ngoài sản xuất của các công ty Âu-Mỹ vẫn chưa lắng xuống. Và xu hướng này sẽ tiếp tục góp phần vào sự tăng trưởng mạnh của ngành sản xuất ở Trung Quốc. Đầu năm nay, hãng bán lẻ Wal-Mart của Mỹ cam kết sẽ đầu tư 50 tỷ USD vào hàng hóa “Made in America” (“Sản xuất tại Mỹ”) trong 10 năm tới. Năm 2012, hãng này đạt doanh thu toàn cầu 443,9 tỷ USD. Giả sử Wal-Mart đầu tư 5 tỷ USD vào Mỹ mỗi năm, thì mức đầu tư này tương đương mới khoảng 1% doanh thu của hãng.

Theo một cuộc điều tra thực hiện vào năm 2012, đa số các công ty đa quốc gia của Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc trả lời rằng, họ có kế hoạch mở rộng tại đây. Một số công ty thậm chí còn đang muốn tiến vào các tỉnh thành nằm sâu trong nội địa của Trung Quốc để tìm kiếm thị trường mới, thay vì chỉ tập trung vào các đô thị lớn ở khu vực ven biển phía Đông như Thượng Hải.

Như để minh chứng cho sự “khủng” của Trung Quốc, bộ phim Iron Man 3 của hãng Disney sẽ được khởi chiếu tại Trung Quốc. Hãng Disney thậm chí còn đầu tư để sản xuất một phiên bản có một vài điểm khác của Iron Man 3 để dành riêng cho thị trường này.

Đối với Trung Quốc, tất cả không phải đều là màu hồng, bởi còn có những con lợn chết trôi sông và những dòng sống “chết” chảy quanh. Trung Quốc sẽ phải làm điều gì đó để ngăn chặn sự gia tăng ô nhiễm mỗi trường trước khi xảy ra những cuộc khủng hoảng về sức khỏe đối với dân số 1,3 tỷ người đang già hóa của nước này.

Phương Anh
Theo Forbes