1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Đề nghị ngân hàng giãn nợ cho nông dân bị... nợ tiền cá

(Dân trí) - Đại diện Sở KHĐT tỉnh Cần Thơ kiến nghị phía ngân hàng giãn nợ cho các hộ nông dân trong bối cảnh phần lớn doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, chưa thanh toán được các hợp đồng theo mùa vụ.

Đề nghị ngân hàng giãn nợ cho nông dân bị... nợ tiền cá
Vụ Bianfishco đang là điển hình về tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn của các doanh nghiệp thủy sản.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) công bố tại cuộc họp giao ban tháng 1 sáng 28/3, tình hình nuôi cá tra tại các địa phương trong cả nước mặt dù có dấu hiệu khởi sắc nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Cụ thể, giá cá tra nguyên liệu tăng so với cuối năm 2011. Tới trung tuần tháng 3, giá cá tra khoảng 26.000-27.000 đồng/kg, nhiều nhà máy đang thiếu nguyên liệu sản xuất.

Tuy nhiên, theo báo cáo, do những thông tin về bất ổn tài chính tại một số doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu trong những ngày gần đây đã khiến nhiều người nuôi cá tra mất bình tĩnh, ồ ạt kêu bán cá tra nguyên liệu dẫn đến tới giá lại giảm xuống chỉ còn 24.000-25.000 đồng/kg.

Trong khi đó, ở lĩnh vực nuôi tôm cũng không mấy khả quan hơn là bao. Theo đó, sản lượng tôm nuôi thu hoạch trong kỳ chủ yếu từ các diện tích nuôi tỉa thưa thả bù và nuôi trong nội đồng phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, dịch bệnh đã phát sinh và lan rộng ở các tỉnh. Lấy ví dụ điển hình là Trà Vinh bị chết gần 31,23 triệu con giống trên diện tích 1.000 ha mặt nước. Sóc Trăng có 260 ha bị dịch bệnh, Tiền Giang 64 ha… do thả sớm và chất lượng con giống chưa được kiểm dịch chặt chẽ.

Ngoài ra, nuôi tôm hùm lồng cũng gặp nhiều trở ngại, với việc khoảng 7.500 lồng nuôi từ 6-10 tháng tuổi tại Phú Yên bị chết do mắc bệnh sữa, đen mang, thân đỏ.

Long đong vì thiếu vốn

Đóng góp tham luận báo cáo tại cuộc họp giao ban lần này, đại diện Sở KHĐT tỉnh Cần Thơ cho biết, hiện nay tình hình của người dân nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long đang gặp khó khăn, mà trước hết là khó ở khâu tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Vị đại diện của Cần Thơ kiến nghị phía ngân hàng nên giãn nợ cho các nông dân nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh các doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, chưa thanh toán được các hợp đồng theo mùa vụ.

Cùng với đó, ông cũng đề nghị ngân hàng tiếp tục hỗ trợ vốn vay đầu tư cho các doanh nghiệp chế biến, và thời gian tới lãi suất nên tiếp tục hạ thêm nữa để các doanh nghiệp tiết giảm được chi phí đầu vào.

Hiện tại, tình hình nợ nần của các doanh nghiệp thủy sản đang trở thành mối lo ngại, khi thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, lãi suất ngân hàng cao, khiến doanh nghiệp không có khả năng trả nợ.  Nhiều doanh nghiệp đã không trụ được, buộc phải tuyên phá sản hoặc sáp nhập, bán cho người khác. Mà điển hình là những lùm xùm quanh vụ việc CTCP Thủy sản Bình An (Bianfishco) của nữ doanh nhân Phạm Thị Diệu Hiền nợ tiền cá nông dân, không có khả năng chi trả.

Trước những kiến nghị này, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đỗ Thị Nhung cho hay, vấn đề giãn nợ thuộc thẩm quyền của các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm xem xét khoản nợ đó của doanh nghiệp có thể thu hồi được và có thể tiếp tục cho giãn được hay không. Các doanh nghiệp có triển vọng sẽ được hỗ trợ tiếp tục cho vay để đầu tư, còn các doanh nghiệp đã xin ngừng hoạt động thì ngân hàng không thể cứu.

Về phía NHNN, cơ quan này vẫn tiếp tục căn cứ vào triển vọng thị trường để nếu thuận lợi mỗi quý giảm 1% lãi suất huy động, từ đó đưa lãi suất huy động cuối năm xuống khoảng 10-11%, tạo cơ sở hạ lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn.

Bích Diệp