1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Đề án xử lý nợ xấu: Yêu cầu làm rõ tính khả thi

(Dân trí) - Hai đề án xử lý nợ xấu và thành lập công ty quản lý tài sản đều đã được Chính phủ giao các cơ quan hữu quan hoàn thiện. Song, yêu cầu làm rõ phạm vi xử lý nợ, nêu rõ và phân tích các phương án có tính khả thi.

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 12/2012 diễn ra ngày 26/12 vừa rồi, cơ quan điều hành đã cho ý kiến về Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án thành lập công ty quản lý tài sản do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trình lên.

Chính phủ giao NHNN chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện 2 đề án này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trước khi trình Bộ Chính trị.

Đề án xử lý nợ xấu: Yêu cầu làm rõ tính khả thi
Vẫn còn tồn tại một số hoài nghi về tính hiệu quả và minh bạch của công ty xử lý nợ xấu nếu được thành lập.

Riêng với Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, Chính phủ yêu cầu làm rõ phạm vi xử lý nợ xấu, nêu rõ và phân tích các phương án xử lý có tính khả thi, phù hợp với tình hình trực tế trong nước và có tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới.

Cùng với đó, cơ quan chủ quản là NHNN sẽ phải xác định rõ những nguyên tắc, chủ trương cần xin ý kiến; cơ chế, chính sách cần triển khai thực hiện và thẩm quyền quyết định.

Theo báo cáo của cơ quan thanh tra giám sát NHNN, tính đến hết 30/9, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD là 8,82%, tương đương gần 240.000 tỷ đồng. Hôm 27/12 vừa rồi, Chánh thanh tra Nguyễn Hữu Nghĩa cho hay, trong năm 2012, NHNN đã đưa ra một số chính sách để xử lý nợ xấu, trong đó yêu cầu TCTD tự xử lý nợ xấu bằng dự phòng, cơ cấu lại nợ và xử lý tài sản đảm bảo.

Kết quả, tốc độ gia tăng của nợ xấu đã từng bước được kiểm soát. Nếu 4 tháng đầu năm, nợ xấu tăng khoảng 8-9% mỗi tháng thì đến nay tốc độ tăng chỉ còn 3%/tháng, đặc biệt, trong tháng 10 nợ xấu giảm 0,95%.

Đến nay, các tổ chức tín dụng đã trích lập 78.600 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng để sẵn sàng giải quyết nợ xấu. Riêng trong 11 tháng đầu năm, đã giải quyết được hơn 39.000  tỷ đồng nợ xấu.

Đề xuất thành lập công ty mua bán nợ từng được đưa ra cách đây 1 năm và đón nhận nhiều quan điểm trái chiều. Nhiều ý kiến kỳ vọng, nếu Đề án này được thông qua, khi "cắt" được "khối u" nợ xấu và làm lưu thông mạch máu thanh khoản của nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng có những quan ngại về tính minh bạch và hiệu quả khi công ty này được thành lập.

Hiện nay, ngoài đề án công ty mua bán nợ đang được bàn bạc, cũng đã có Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng (DATC) do Bộ Tài chính quản lý.

Không để thiếu hàng, sốt giá trong Tết Quý Tỵ

Trong phiên họp vừa rồi, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá để phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, đặc biệt là việc bảo đảm cung - cầu hàng hóa, không để thiếu hàng sốt giá.

Đồng thời, theo yêu cầu của Chính phủ, các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra tại các cửa khẩu ngăn chặn tình trạng buôn lậu.

Chính phủ cũng đã thông qua chủ trương thực hiện cơ chế hỗ trợ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương cho 23 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao với định mức mỗi huyện bằng 70% mức bình quân của các huyện nghèo. Riêng năm 2013, bố trí từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để triển khai thực hiện đối với một số dự án quan trọng, đã có đủ thủ tục đầu tư theo quy định.


Bích Diệp