1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

“Đáy” lãi suất cho vay trong khối ngân hàng TMCP

(Dân trí) - Kể từ ngày 1/10, Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietBank) chính thức hạ lãi suất cho vay thấp nhất trong khối ngân hàng TMCP, xuống còn 18%/năm.

Với mức lãi suất cho vay 18%/năm, lãi suất cho vay của LienVietBank chỉ cao hơn lãi suất cho vay đối với các tập đoàn, tổng công ty, công ty, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trực tiếp tạo sản phẩm, tham gia xác lập và bình ổn các cân đối lớn của nền kinh tế… của một số ngân hàng khác có 0,5%/năm.

Đại diện một ngân hàng TMCP tại Hà Nội bình luận: “Đây quả là một quyết định gây shock đối với chúng tôi, bởi việc giảm lãi suất xuống mức 19% - 20%/năm với các ngân hàng TMCP còn là quyết định khó khăn, huống hồ mức 18%/năm”.

Lý giải về quyết định giảm lãi suất cho vay xuống mức thấp nhất trong khối ngân hàng TMCP hiện nay, ông Nguyễn Đức Hưởng, Tổng Giám đốc LienVietBank cho biết: “Ngân hàng hạ lãi suất cho vay là nhằm hưởng ứng giải pháp chỉ đạo thực hiện chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, ưu tiên chống lạm phát nhưng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại hoạt động, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong “cơn bão” tài chính. Việc hạ lãi suất lần này cũng nhằm hiện thực hóa chiến lược khách hàng mục tiêu trong tương lai của LienVietBank”.

Như vậy, hôm nay là ngày 3 quyết định của Ngân hàng Nhà nước (giữ nguyên mức lãi suất cơ bản 14%/năm, nâng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc lên 5% và sửa đổi tín phiếu bắt buộc để tạo nguồn vốn) có hiệu lực. Đây cũng là thời điểm khá nhiều ngân hàng áp dụng biểu lãi suất cho vay mới, với mức ưu đãi nhiều hơn đối với doanh nghiệp vay vốn.

Trao đổi với báo giới, TS. Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: Việc Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên lãi suất cơ bản 14%/năm là giữ mức lãi suất cho vay tối đa, nhằm giúp các ngân hàng thương mại có điều kiện cấu trúc lại lãi suất theo kỳ hạn và rủi ro.

Ví dụ: các ngân hàng thương mại có thể cho vay tiêu dùng, cho vay kinh doanh chứng khoán (trong giới hạn được phép) với thang lãi suất cao hơn (20 - 21%/năm), trong khi có thể điều chỉnh cho vay doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ở thang lãi suất thấp hơn (16 - 17%/năm).

“Cùng với đà suy giảm tốc độ gia tăng của lạm phát và thời cơ để tái cấu trúc lại lãi suất theo rủi ro, khả năng điều chỉnh lãi suất cho vay đối với khu vực doanh nghiệp có thể còn sâu hơn trong nhiều tháng tới”, TS. Lê Xuân Nghĩa dự đoán.

An Hạ