1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Dạo chợ trời Nhật Tảo

Gọi Nhật Tảo là chợ “hầm bà lằng” cũng đúng, bởi nơi đây người ta có thể mua bán đủ các thứ trên đời.

Từ những món nhỏ nhỏ như đồng hồ, tiền xu, thẻ nhớ… đến những món to to như máy lạnh, tivi, máy tính…; từ những món để dùng đến những món để… ngắm, đa phần là hàng cũ. Lắm người đến đây mua sắm như một thú vui, đi riết rồi ghiền…
 
Dạo chợ trời Nhật Tảo - 1
Đồ lạc - xoong ở chợ trời Nhật Tảo.

 

Giá siêu rẻ…

 

Chợ Nhật Tảo “thứ thiệt” đã giải toả từ vài năm nay và hình thành lại tại cao ốc A Nguyễn Kim (quận 10, TP.HCM), còn chợ trời Nhật Tảo mà bài viết đề cập trải dọc các con đường Lý Nam Đế, Tân Phước, Vĩnh Viễn, Lý Thường Kiệt… (quận 10, TP.HCM). “Chợ” nhóm từ sáng tới chiều tối, cao điểm là khoảng 11 – 12 giờ trưa trở đi.

 

Truyền thống chợ trời Nhật Tảo gắn liền với mặt hàng điện tử, điện máy, linh kiện điện tử. Ngoài các mặt hàng chủ lực ấy, còn có các mặt hàng khác như đồ gia dụng, trang sức… lẫn linh tinh các món không tên. Theo những người bán, nguồn hàng từ các cá nhân hoặc từ nguồn ve chai. Sau khi mua, người bán sẽ phân loại hàng nào còn dùng được, hàng nào sẽ rã ra lấy phụ kiện… Chợ này còn có cả những món đồ cũ thú vị như nón kết, dép cũ, bình hoa hoặc các vật trưng bày bằng nhựa, thuỷ tinh…

 

Giá cả nơi đây siêu rẻ. Tuỳ theo mức độ hư – cũ của món hàng. Nhìn chung chỉ cần vài trăm ngàn trong túi, thậm chí vài chục ngàn đồng vẫn có thể tự tin và đặc biệt giá có thể rất rẻ tuỳ vào khả năng ăn nói và trả giá của người mua. Một trong những điều khiến khách hàng thích khu chợ này là họ có thể mặc cả, trả giá mà không sợ bị phản đối. Vì như lời tâm sự của chị Lan – một người có hơn ba năm bán hàng tại đây: hàng mua theo giá ve chai cân ký, nên giá bán rẻ, người bán tính toán có lời một ít là được.

 

Hàng “sống”, hàng “mù”

 

Các sản phẩm trong chợ trời Nhật Tảo được mua bán theo hai dạng chính là hàng “sống” và hàng “mù”. Mua “sống” tức là mua những món đồ đã được người bán thử trước và đảm bảo còn dùng được, “bao xài”, giá nhỉnh hơn. Còn mua “mù”, là mua những món mà cả người bán cũng không biết còn dùng được không, vì có thể đó là những món chưa có thời gian phân loại, kiểm nghiệm; hoặc vì không có dụng cụ. Mua “mù”, cả người bán lẫn người mua đều dựa vào vận may – hên xui, nên giá rẻ bèo. Khách quen mua hàng tại đây cho biết mua “mù” cũng có cái thú riêng của nó, chỉ cần sử dụng được khoảng 50% thì vẫn “lời chán”.

 

Chú Nguyễn Hồng Võ (quận Bình Tân, TP.HCM) là khách thường xuyên ở đây, mỗi tuần đến chợ từ 1 – 2 lần, khuyên: người mua nên có chút ít hiểu biết về đồ điện, điện tử. Nên trang bị thêm kiến thức về những món mình định mua, đem theo máy móc hoặc dụng cụ để thử, như mua con chuột, tai nghe, bàn phím… thì đem laptop theo. Mua thẻ nhớ hay tai nghe cho điện thoại thì đem điện thoại theo… Bản thân chú còn sắm hẳn một máy đo điện đem theo.

 

Người mua đến chợ trời Nhật Tảo có những mục đích khác nhau. Đa phần khách đến chợ là người nghèo, với mục đích mua về để dùng “cũ người mới ta”, hay mua để lấy phụ tùng, linh kiện về thay thế, sửa chữa cho cái đã có ở nhà.

 

Bên cạnh đó, cũng có người khá giả dạo chợ để sưu tầm đồ “độc”, đồ cổ. Một ông bác khá lớn tuổi bán hàng tại đây trầm ngâm: “Người ít tiền bỏ công lùng sục, mua những món cũ kỹ, trầy trụa, có khi sứt càng gãy gọng mà người khá bỏ đi. Người khá thì lại tìm kiếm các loại đồ cổ với giá hời... Ai cũng có được niềm vui sau khi kiếm được món hàng ưng ý...”

 

Theo Thạch Thảo

SGTT