1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Đánh giá về quyết định giảm lãi suất của FED

(Dân trí) - Theo đánh giá của giới phân tích, mặc dù được coi là "liều thuốc bổ" đối với nền kinh tế đang gặp khó khăn, song quyết định táo bạo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm 0,5% tỷ lệ lãi suất cơ bản cũng làm tăng nguy cơ lạm phát và trở thành "phao cứu sinh" cho giới đầu cơ.

Tác động tích cực

 

Việc cắt giảm lãi suất các quỹ liên bang hôm 18/9 xuống còn 4,75% được coi là "đòn phủ đầu" nhằm ngăn chặn một cuộc suy thoái kéo dài của nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh những bất ổn của thị trường nhà đất và khủng hoảng trên thị trường tín dụng đang lan rộng.

 

Quyết định giảm lãi suất có thể sẽ giúp giảm bớt chi phí vay, bao gồm các khoản cho vay doanh nghiệp và tiêu dùng. Trong một số trường hợp, quyết định này còn hướng tới việc điều chỉnh các khế ước cầm cố có lãi suất điều chỉnh (ARMs) sẽ "đụng chạm" tới hàng triệu chủ sở hữu nhà đất ở Mỹ. Hầu hết các ngân hàng thương mại đã cắt giảm lãi suất cho vay ưu đãi đối với đối tượng vay là doanh nghiệp xuống còn 7,75% sau quyết định giảm lãi suất của Fed.

 

Một số nhà phân tích đã ca ngợi động thái trên như một biện pháp cứu vãn thị trường nhà đất và tín dụng. Một số khác cho rằng đó là một sự hỗ trợ hiệu quả đối với giới đầu cơ.

 

Trong tuyên bố sau quyết định cắt giảm lãi suất, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) do Chủ tịch Fed, ông Ben Bernanke đứng đầu, nói: "Quyết định này là nhằm giúp ngăn chặn một số ảnh hưởng bất lợi đối với nền kinh tế rộng lớn hơn, có thể nảy sinh từ những gián đoạn trong các thị trường tài chính, và thúc đẩy sự tăng trưởng vừa phải theo thời gian".

 

Ông Scott Anderson, nhà kinh tế cấp cao của Wells Fargo, nói: "Tôi cho rằng Fed đã tung ra một liều thuốc tài chính hữu ích đối với nền kinh tế và thị trường nhà cửa. Tôi nghĩ đây sẽ được coi là động thái tích cực của Fed nhằm tránh sự suy thoái kinh tế".

 

Ông Brian Bethune, nhà kinh tế của Global Insight, ca ngợi Fed đã hành động để ngăn chặn suy thoái và khôi phục lòng tin đối với các thị trường tín dụng. Ông nhấn mạnh: "Các đám cháy rừng trong nền kinh tế đã nhanh chóng lan rộng hồi tháng 7 & 8, và Fed nhận ra rằng sẽ phải dùng nhiều nước hơn nữa để đưa tình hình trở lại tầm kiểm soát".

 

"Con dao hai lưỡi"

 

 Tuy nhiên, giới phân tích thị trường cho rằng do có nhiều loại lãi suất không do Fed kiểm soát nên ảnh hưởng của quyết định này hiện chưa rõ ràng. Nhiều doanh nhân trên thị trường trái phiếu đã đẩy lợi nhuận dài hạn lên mức cao hơn do lo ngại sức ép lạm phát gia tăng. Những loại lãi suất này có thể được áp dụng để xác định các loại lãi suất thế chấp.

 

Ông Robert Brusca thuộc FAO Economics nói: "Phản ứng trước quyết định giảm lãi suất của Fed là việc tăng giá cổ phần ở khắp các thị trường cổ phiếu. Phản ứng của thị trường trái phiếu Mỹ là chưa rõ ràng, do một số loại lợi tức dài hạn thậm chí còn tăng. Điều này sẽ không có lợi cho thị trường thế chấp".

 

Ông Andrew Busch thuộc tổ chức BMO Capital Markets cho rằng Fed dường như chỉ khai triển "bước đi của Greenspan". Cựu Chủ tịch Fed Alan Greenspan luôn ủng hộ việc "giải cứu" giới đầu cơ, những người sẽ gặp rắc rối khi điều kiện của thị trường tài chính thay đổi.

 

 Ông Busch nói: "Fed đã củng cố niềm tin cho các thị trường cổ phiếu rằng Fed sẵn sàng hành động mạnh tay để ngăn chặn suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, Fed cũng làm gia tăng nguy cơ lạm phát do đồng đô la Mỹ mất giá trước đồng tiền của hầu hết các cường quốc khác. Fed vẫn chưa giải quyết được cuộc khủng hoảng trên thị trường nhà cửa vì quyết định cắt giảm 0,5% ARMs là không đủ".

 

Giới phân tích thị trường cho rằng, với bước đi táo bạo này, thách thức đặt ra đối với FED là việc cắt lãi suất một mặt sẽ giúp kinh tế tăng trưởng kinh tế nhưng cũng có thể dẫn tới làm gia tăng lạm phát.

 

Tuyên bố của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã nhắc tới một số cải thiện về lạm phát, song nhấn mạnh rằng "nguy cơ vẫn tồn tại" và ủy ban này sẽ "cẩn trọng giám sát những diễn biến". FOMC cho biết kể từ phiên họp thường kỳ gần đây nhất của ủy ban này, những diễn biến của các thị trường tài chính "đã làm gia tăng bất ổn xét về viễn cảnh kinh tế" và khẳng định FOMC sẽ "hành động khi cần thiết nhằm đảm bảo ổn định giá cả và tăng trưởng kinh tế".

 

Phát biểu trong cuộc điều trần tại Ủy ban Tài chính Hạ viện ngày 20/9, ông Bernanke cũng thừa nhận về những nguy cơ trên và cho biết Fed đang tiếp tục theo dõi và sẽ có những đánh giá về những yếu tố không chắc chắn đang xuất hiện trong nền kinh tế để có những điều chỉnh chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và gia tăng công ăn việc làm.

 

Mặc dù, ông Bernanke không tiết lộ các biện pháp tiếp theo của Fed sẽ như thế nào mà chỉ nhấn mạnh mục tiêu ưu tiên của Fed là ngăn chặn lạm phát, nhưng ông Mark Zandi, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Economy.com, tiên đoán rằng Fed có khả năng phải cắt giảm thêm 2-3 lần lãi suất nữa mới có thể bình ổn được các thị trường tài chính và để ngăn không cho cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất trong 16 năm qua của thị trường nhà đất kéo nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái vì thực trạng nền kinh tế Mỹ hiện nay được mô tả là "rất mềm".

 

Ông Zandi dự báo tốc độ tăng GDP của Mỹ trong quý 3/2007 có thể chỉ đạt 2,5%, giảm mạnh so với mức tăng 4,0% trong quý 2/2007. Quý 4/2007 GDP của Mỹ dự kiến còn đạt thấp hơn nhiều, có thể chỉ 1,5%. Trang thông tin kinh tế tài chính CNNMoney.com cũng cho rằng có những dấu hiệu cho thấy Fed có thể sẽ cắt giảm thêm tỷ lệ lãi suất. Đây có thể là điều mà các nhà đầu tư trông đợi, nhưng lại chẳng có lợi chút nào cho cuộc chiến chống lạm phát mà Fed đang phải đối đầu.

 

Kiến Văn