1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Đại gia nào "ăn đậm" nhất trong 3 phiên chứng khoán tăng nóng đầu tuần?

(Dân trí) - Chuỗi tăng nóng 11 phiên liên tục của VN-Index đã đưa vốn hóa thị trường tăng chóng mặt trong thời gian vừa qua. Đặc biệt, trong 3 phiên đầu tuần, với diễn biến giá tốt tại các bluechips, tài sản trên TTCK "phình" ra gần 2 tỷ USD.

Phiên giao dịch ngày 9/1/2013 đã cho thấy sự bùng nổ đáng kinh ngạc về thanh khoản mặc dù diễn biến chỉ số không như mong đợi.

Với 268,11 cổ phiếu được chuyển nhượng, tương ứng 2.800,2 tỷ đồng, phiên hôm qua trở thành phiên khớp lệnh đạt giá trị cao nhất kể từ 6/3/2012. Hồi năm ngoái, phiên 6/3/2012 là ngày thứ hai thử nghiệm kéo dài thời gian giao dịch và khởi đầu cho chuỗi tăng điểm và giao dịch sôi động nửa đầu năm 2012.

Tổng giá trị giao dịch ngày 9/1 đã tăng 31,3% (nếu loại trừ 506 tỷ đồng cổ phiếu EIB được thỏa thuận hôm trước đó).

Đại gia nào ăn đậm nhất trong 3 phiên đầu tuần?
Chuỗi tăng điểm liên tục "thổi" tài sản của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán lên hàng trăm, nghìn tỷ.

Theo thống kê của Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX), vốn hóa thị trường (market cap) của HSX trong 3 phiên giao dịch đầu tuần này đã tăng từ 697.955 tỷ đồng (mức đóng phiên 4/1 cuối tuần trước) lên 734.869 tỷ đồng (mức đóng phiên ngày 9/1).

Trong khi đó, tại sàn Hà Nội (HNX), giá trị vốn hóa tăng không đáng kể trong 3 ngày hôm nay. Kết thúc phiên 4/1, vốn hóa HNX đạt 89.630,8 tỷ đồng, tăng lên 90.218,7 tỷ đồng vào cuối phiên 9/1.

Như vậy, tính riêng 3 ngày vừa rồi, tài sản trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã "phình" ra 37.501,9 tỷ đồng (khoảng 1,8 tỷ USD) với mức gia tăng 36.914 tỷ đồng trên HSX và 587,9 tỷ đồng trên HNX.

Ở HSX, chỉ số VN-Index trong 3 ngày đã tăng 22,71 điểm, tương ứng tăng 5,33%. Mức tăng mạnh nhất thiết lập trong 2 phiên 7/1 và 8/1. Phiên 7/1 tăng 8,13 điểm, phiên 8/1 tăng 12,97 điểm.

Tính chung từ đầu tháng, vốn hóa HSX tăng 56.466 tỷ đồng tương ứng gần 2,7 tỷ USD.

Ở đây, Dân trí điểm qua sự thay đổi tài sản tại một số mã có vốn hóa lớn trên thị trường:

Masan (MSN):

Từ mức giá 102.000 đồng tại thời điểm đóng cửa phiên 4/1/2013, thị giá MSN đã lên tới 115.000 đồng sau hai phiên tăng trần của 3 phiên tăng liên tiếp. Tương ứng, vốn hóa MSN đã tăng từ 70.103 tỷ đồng lên 79.037 tỷ đồng, tăng 8.934 tỷ đồng.

Diễn biến giá của MSN đang được hỗ trợ lớn nhờ thông tin công bố khoản đầu tư 200 triệu USD của cổ đông ngoại Kohlberg Kravis Roberts (KKR) vào Masan Consumer, nâng tổng mức huy động vốn trong vòng 4 năm qua của MSN lên trên 1 tỷ USD.

Vietcombank (VCB):

Thời gian vừa qua, chuỗi tăng điểm của VCB duy trì rất tốt, đã đưa mức giá của cổ phiếu này từ mức 29.200 đồng của phiên 4/1 lên 31.700 đồng đóng cửa phiên 9/1.

Tương ứng mức tăng 2.500 đồng mỗi cổ phiếu trong 3 ngày đầu tuần thì vốn hóa của VCB cũng đã được nâng lên 73.462 tỷ đồng từ mức 67.669 tỷ đồng cuối tuần trước. Mức gia tăng vốn hóa đạt 5.793 tỷ đồng.

Vinamilk (VNM):

Với 1 phiên tăng trần, 2 phiên tăng điểm mạnh, mức giá hiện tại của VNM đã đạt 95.500 đồng từ mức 88.000 đồng của chốt phiên giao dịch cuối tuần trước.

Vốn hóa của VNM từ thời điểm đóng cửa phiên 4/1 đạt 48.900 tỷ đồng đã tăng lên 53.068 tỷ đồng phiên 9/1. Thay đổi vốn hóa của mã cổ phiếu này trong 3 ngày đầu tuần đạt 4.168 tỷ đồng.

Vietinbank (CTG):

CTG là mã có mức tăng giá thuộc nhóm bền bỉ nhất trên thị trường tính đến thời điểm hiện tại. Đây cũng là mã luôn nằm trong danh mục được khối ngoại ưa thích nhất thời gian gần đây.

Mức tăng giá không nhiều trong mỗi phiên, song đã được nâng lên từ 21.000 đồng cuối phiên 4/1 lên 22.000 đồng phiên 9/1.

Trong 3 phiên này, vốn hóa CTG đã tăng từ 55.057 tỷ đồng lên 57.679 tỷ đồng. Gia tăng vốn hóa đạt 2.622 tỷ đồng, mức tăng đáng mơ ước của nhiều tổ chức niêm yết hiện nay.

Vingroup (VIC):

Tăng mạnh 2 phiên đầu tuần song mất điểm vào phiên hôm qua, thị giá của VIC đang là 83.000 đồng, tăng 3.000 đồng so phiên 4/1.

Mức vốn hóa của VIC tăng đáng kể từ 56.037 tỷ đồng lên 58.138 tỷ đồng sau 3 ngày giao dịch đầu tuần, mức tăng tương ứng đạt 2.101 tỷ đồng.

Sacombank (STB):

Với diễn biến giá tốt, tăng liên tục từ mức 20.700 đồng cuối tuần trước lên 22.800 đồng phiên hôm qua đã giúp vốn hóa STB tăng đáng kể trên thị trường.

Vốn hóa cổ phiếu này từ 20.161 tỷ đồng đóng phiên 4/1, sau 3 phiên giao dịch đã tăng lên 22.206 tỷ đồng, mức gia tăng đạt 2.045 tỷ đồng.

TCTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM):

Phiên hôm qua, DPM tăng điểm khá tốt với biên độ đạt 3,41%, tăng 1.400 đồng mỗi cổ phiếu.

Sau chuỗi tăng 3 phiên liên tục, vốn hóa của DPM đã tăng từ 14.536 tỷ đồng lên 16.008 tỷ đồng, tương ứng vốn hóa của DPM đã được cộng thêm 1.472 tỷ đồng trong 3 ngày vừa qua.

Bảo Việt (BVH):

Kể từ thời điểm 18% cổ phần của BVH được HSBC chuyển nhượng cho nhà đầu tư chiến lược mới là hãng bảo hiểm Nhật Sumitomo, giá cổ phiếu BVH đã tăng liên một mạch dài, cho đến phiên giảm sàn bất ngờ vào hôm qua. Trong phiên 9/1, thất thoát trên mỗi cổ phiếu BVH là 2.400 đồng.

Tính chung, vốn hóa BVH đã tăng từ 30.213 tỷ đồng phiên 4/1 lên 31.642 tỷ đồng (sau khi bị sụt giảm từ mức 33.275 tỷ đồng phiên 8/1). Mức gia tăng vốn hóa sau 3 ngày vẫn đạt 1.429 tỷ đồng.

NHTMCP Á Châu (ACB):

Diễn biến giá của trụ cột sàn HNX những phiên này khá phức tạp. Riêng 3 phiên gần nhất thì đã có 2 phiên đứng giá, 1 phiên tăng tương đối khá. Mức thị giá mã này đang thiết lập mức 18.100 đồng.

Tương ứng, vốn hóa của ACB từ 16.128 tỷ đồng phiên 4/1 đã tăng lên 16.972 tỷ đồng đóng cửa phiên hôm qua. Như vậy, gia tăng vốn hóa ACB 3 phiên vừa rồi đạt 844 tỷ đồng.

Hoàng Anh Gia Lai (HAG):

Thông tin về việc phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu cũng như một loạt phương án tăng vốn của HAG đã hỗ trợ mã này tăng trần hai phiên đầu tuần. Tuy nhiên đến phiên hôm qua, dưới áp lực bán mạnh, HAG vẫn bị thất thoát 1.000 đồng/cp.

Nhìn chung giá HAG vẫn tăng tương đối khá từ 23.500 đồng lên mức 24.800 đồng vào hôm qua. Vốn hóa thị trường nhờ đó cũng tăng từ 12.628 tỷ đồng phiên 4/1 lên 13.327 tỷ đồng phiên 9/1, mức gia tăng đạt 699 tỷ đồng.

TCT Khí Việt Nam (GAS):

Đóng cửa phiên 4/1, vốn hóa của GAS đạt 75.610 tỷ đồng, tăng lên hơn 77.000 tỷ đồng phiên 8/1 sau đó giảm còn 75.990 tỷ đồng vào phiên hôm qua. Trong 3 ngày, thay đổi vốn hóa tại GAS đạt 380 tỷ đồng.

Eximbank (EIB):

Trong 3 phiên đầu tuần, cổ phiếu EIB có 1 phiên tăng, 1 phiên giảm và 1 phiên đứng giá. Song mức giảm ngày hôm qua đã đưa mức giá EIB thiết lập được từ cuối tuần trước là 15.900 đồng giảm còn 15.600 đồng.

Điều này cũng đồng nghĩa với, vốn hóa của EIB đã mất 371 tỷ đồng từ 19.645 tỷ đồng xuống còn 19.274 tỷ đồng đến thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày hôm qua.

Sau chuỗi tăng nóng 11 phiên liên tục, có sự điều chỉnh nhẹ ngày hôm qua, nhiều khả năng thị trường sẽ có những điều chỉnh rõ nét hơn trong một vài phiên tới. Khi có sự điều chỉnh về giá, thì tài sản của các "đại gia chứng khoán" cũng không tránh khỏi tăng - giảm theo.

Mai Chi